Bộ Nông nghiệp tìm lối ra cho sản phẩm động vật

Duy Chí - Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/3, tại Bình Dương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị ''Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật'', với sự tham gia của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp chăn nuôi.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2021 dù thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng sự năng động sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực động vật và sản phẩm động vật như sữa, mật ong, trứng, tổ yến, thịt lợn, thịt gà, bột cá, tôm, cá tra… được xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Singapre, Trung Đông… với số lượng tăng vọt so với năm 2020. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2022 nhiều mặt hàng, sản phẩm động vật tiếp tục tăng như gia cầm giống, tôm giống, cá cảnh, sữa và sản phẩm sữa…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, quá trình xuất khẩu nhiều mặt hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế, khối lượng xuất khẩu cao “vướng” phải các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn dịch bệnh, nên phải tạm dừng hoặc bị đánh thuế chống bán phá giá, mất thị trường…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2021 là năm cực kỳ khó khăn cho toàn thế giới nói chung nhưng lại là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam với tăng trưởng xuất khẩu trên 20%, thặng dư kinh tế hàng tỷ đô la. Đây là kết quả của sự chuyển hướng từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp chuỗi cung ứng khép kín. Bên cạnh việc tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp, trang trại, nông dân xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE, nâng cao hiệu quả chất lượng và yêu cầu về tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh xúc tiến, đàm phán mở cửa thị trường, trang bị kiến thức thị trường cho nhà nông, doanh nghiệp.

"Tăng giá là bài toán vô cùng khó khăn trong thời gian tới không chỉ ở một tỉnh, một vùng, một quốc gia mà nó lan rộng ra toàn cầu như một xu thế tất yếu. Bài toán thích ứng với xu hướng trên là tiết kiệm, rút ngắn quy trình… bằng giải pháp số hóa kết hợp sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong đều hành, quản trị nhằm đẩy lùi nguy cơ, nắm bắt thời cơ" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận giá trị của các đại biểu, góp phần khắc phục khó khăn, thiếu sót, mở ra hướng chăn nuôi sản xuất mới, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Như tại Bình Dương đã có văn bản định hướng phát triển ngành chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Các doanh nghiệp chăn nuôi kết hợp thú y hình thành chuỗi sản xuất khép kín (từ trang trại đến nhà bếp), vừa đáp ứng thị hiếu thị trường vừa phát triển mạnh doanh số, sản phẩm.

Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng, tập huấn, trang bị kiến thức xuất khẩu, tìm hiểu thị trường, tổ chức hình thành vùng an toàn dịch phù hợp với những tiêu chuẩn thị trường hàng hóa xuất khẩu...

Valid: True