Bộ Quy tắc ứng xử với nghệ sĩ: Diễn viên Hồng Vân, Quyền Linh không còn quảng cáo sai sự thật, nghệ sĩ minh bạch tiền từ thiện?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vừa qua, nhiều văn nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, nhiều người phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì nhận quảng cáo trên mạng xã hội những sản phẩm không đảm bảo chất lượng; dư luận liên tục tố nghệ sĩ vấn đề nhập nhèm tiền kêu gọi từ thiện ủng hộ. Cụ thể là trường hợp của diễn viên Hồng Vân, Quyền Linh; hay vấn đề xôn xao liên quan đến tiền từ thiện của danh hài Hoài Linh. Để chấn chỉnh vấn đề này, Bộ VHTT&DL đang dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) đối với nghệ sĩ.

Không lợi dụng sự nổi tiếng

Bộ VHTT&DL vừa đưa ra dự thảo bộ QTƯX dành riêng cho toàn bộ giới nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập và "tự do", với mục đích nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ. Theo đó, dự thảo đưa ra QTƯX chi tiết của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trong ứng xử với đồng nghiệp, trong ứng xử với công chúng, và trong ứng xử trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội.

Với ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, dự thảo đưa ra quy tắc cho nghệ sĩ cần nỗ lực sáng tạo các sản phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ; không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; có trách nhiệm bảo vệ những giá trị đạo đức cao đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội...
 Một số nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng trên MXH. 

Với đồng nghiệp, nghệ sĩ cần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hoạt động nghệ thuật và cuộc sống; và không thực hiện các hành vi cổ súy, bày tỏ quan điểm, bình luận gây mâu thuẫn, công kích, bài xích, cạnh tranh không lành mạnh.

Với công chúng, nghệ sĩ cần tôn trọng, tận tâm cống hiến, đúng mực, lịch sự, thân thiện, lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả để hoàn thiện bản thân; trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân.

Trong hoạt động xã hội, nghệ sĩ phải có trách nhiệm tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng; có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh trước công chúng và xã hội; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng.

Đặc biệt, dự thảo bộ quy tắc nhấn mạnh nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, và phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.

Trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, nghệ sĩ phải trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Không đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Bộ VHTT&DL đề nghị các nghệ sĩ, người hoạt động nghệ thuật nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện đầy theo Bộ quy tắc ứng xử chung.

Giúp nghệ sĩ hiểu rõ việc nên làm

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, các chuyên gia văn hoá chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thấy có rất nhiều hiện tượng các nghệ sĩ có ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp ở trên mạng xã hội và ngoài đời thật. Điều này khiến, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn làm sao để chấn chỉnh lại hành vi lệch chuẩn. Bởi, văn nghệ sĩ là nhóm đối tượng đặc biệt, là người của công chúng. Vì thế mỗi hành vi, ứng xử, chia sẻ của họ thường có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, lối sống, hành vi của công chúng. Chính vì thế, xã hội rất coi trọng vai trò của nghệ sĩ và luôn luôn mong muốn họ trở thành tấm gương tốt trong xã hội để định hướng hành vi ứng xử, sự phát triển nhân cách, đạo đức của các cá nhân. Từ đó có tác dụng tốt đối với sự phát triển văn hoá của đất nước. Kỳ vọng của xã hội như thế thể hiện trách nhiệm của các văn nghệ sĩ rất lớn. Đó là lý do tại sao, chúng ta mong muốn họ là tấm gương tốt và rất lên án hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của họ hơn so với nhóm đối tượng khác trong xã hội.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: “Thực tế trong xã hội vừa qua, nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn. Vì vậy, chúng ta mong muốn có những biện pháp chấn chỉnh. Đó là lý do vì sao, chúng ta mong muốn có một bộ QTƯX đối với văn nghệ sĩ. Bộ QTƯX này không chỉ tốt với văn nghệ sĩ khi họ được định hướng về hành vi. Từ đó, họ có nhận thức đầy đủ hơn, có hành vi đúng đắn và phù hợp hơn, xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho chính bản thân nghệ sĩ. Đồng thời, Bộ QTƯX cũng tạo ra sự đồng thuận của xã hội trong việc đánh giá, nhìn nhận hành vi của nghệ sĩ, tốt cho môi trường chung của xã hội. Vì thế, tôi đánh giá cao việc ban hành một bộ QTƯX với nghệ sĩ”.

Có thể thấy, bản chất của Bộ QTƯX là định hướng hành vi của nghệ sĩ, không mang tính chất ràng buộc, không mang tính chế tài. Hình thức bắt buộc thuộc vào các quy định, quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, Bộ QTƯX góp phần rất tốt để định hướng hành vi cho các nghệ sĩ, nâng cao hiểu biết cho nghệ sĩ để biết việc nào nên làm, không nên làm, phải làm, không được phép làm trong hoàn cảnh, hoạt động nhất định.

“Trong rất nhiều hành vì lệch chuẩn, không phù hợp thời gian qua của các nghệ sĩ đa (gồm nguyên nhân chủ quan và khách quan) đa phần đến từ nhận thức của các nghệ sĩ chưa đầy đủ, đúng về hoạt động, chia sẻ, hành vi của họ trên mạng xã hội và ngoài đời thật. Nguồn gốc sâu xa của những hành vi lệch chuẩn như thế đến tư nhận thức nên chúng ta cần định hướng nhận thức cho các văn nghệ sĩ. Từ những hành động đúng sẽ dẫn đến họ trở thành tấm gương tốt trong xã hội. Tuy nhiên không có nghĩa nó không có tính ràng buộc, xử phạt và không có tác dụng. Điều quan trọng nhất, nghệ sĩ có nhận thức đầy đủ đề từ đó có các hành vi đúng, có tác dụng lan toả tới xã hội. Còn quy định cấm, mang tính cưỡng ép nhiều hơn thuộc vệ Nghị định của Chính phủ hay Thông tư của Bộ VHTT&DL” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Thực tế cho thấy, hiện tượng nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, không phù hợp khá phổ biến trên thế giới. Gần đây chúng ta thấy việc “phong sát” một số nghệ sĩ ở Trung Quốc hay sự tẩy chay một số nghệ sĩ ở Hàn Quốc nên nghệ sĩ Việt Nam cần phải đặt trong bối cảnh như vậy. Nhấn mạnh về việc ứng xử trên mạng xã hội (MXH), PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta xuất hiện thêm một phương tiện mới là MXH, MXH tạo điều kiện cho những ứng xử không phù hợp. Đa phần, chúng ta nghĩ MXH là thế giới ảo, ứng xử không cần quan tâm nhiều đến thái độ, đánh giá của người khác. Chính vì thế, chúng ta có hành vi không đúng. Đó là lý do vì sao Bộ TT&TT có bộ Quy tắc ứng xử trên MXH với 4 nguyên tắc cơ bản là: Tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Đấy cũng có thể là bài học, kinh nghiệm để Bộ VHTT&DL ban hành Bộ QTƯX cho nghệ sĩ. Làm sao để Bộ QTƯX dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện nay”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần