Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ sổ hộ khẩu: Đề xuất khả thi

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, làm được thì như một cuộc cách mạng, mừng không khác gì bỏ được sổ gạo, nỗi ám ảnh với bao người thời bao cấp” - Ý kiến của một thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nhận định về một nội dung được đánh giá là rất tiến bộ trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), cũng là tâm tư của nhiều người dân.

 Ảnh minh họa
Bỏ quản lý bằng hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý bằng số định danh, câu chuyện đã được bàn thảo rất nhiều lần và lần này chính thức được đề cập đến khi sửa đổi Luật Cư trú. Hay nói khác đi là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Đây là vấn đề được người dân rất quan tâm bởi nó gắn với từng người và từng gia đình. Và rất mừng khi điểm mới trong tư duy quản lý này ngay từ khi đề xuất đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ các hộ gia đình. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì này vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu. Không ít cuộc khảo sát đã chỉ ra, có đến hơn 20 thủ tục hành chính, việc có bản sao hoặc sổ hộ khẩu trong hồ sơ là điều cần thiết và bắt buộc. Rồi cũng bởi những ràng buộc này, mà không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có sổ hộ khẩu.
Nhiều ý kiến nhận định, việc quản lý cư trú theo bằng số định danh sẽ đảm bảo được sự minh bạch, công khai, sẽ lược bỏ được bao nhiêu gánh nặng cho người dân thời gian qua, nhất là góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, tạo thuận lợi cho người dân và cả quản lý. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp sự phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ số đang ngày càng đi sâu vào đời sống hàng ngày của người dân. Nếu không bị ràng buộc bằng sổ hộ khẩu, nếu chỉ cần mã số định danh, có thể đi lại bất cứ đâu theo yêu cầu cuộc sống, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân.
Đã đến lúc cần thúc đẩy sớm việc này khi mà rất nhiều nước đã không còn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu từ lâu. Dẫn chứng sinh động nhất về hiệu quả của phương thức quản lý mới là một người chỉ cần cầm thẻ lương hưu, đi bất cứ đâu cũng rút được tiền chứ không cần phải về đúng nơi cư trú của mình mỗi tháng mới lĩnh được lương hưu như đang thực hiện nữa. Có ý kiến còn lấy ví dụ, nhiều nước vừa qua thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cũng chính nhờ phương thức quản lý dân cư hiện đại. Theo đó, chỉ cần một thiết bị định danh, định vị hình thức như thẻ hoặc vòng đeo tay mà người dân nào, cư trú ở đâu, đi đâu, có ở nơi tập trung đông người không… cơ quan quản lý nhà nước đều nắm được.
Để phục vụ cho việc này, hiện việc cấp số định danh, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư cũng đang được gấp rút hoàn thành, nên quy định tiến bộ này là hoàn toàn khả thi.