Bỏ sổ hộ khẩu giấy, bớt thủ tục rườm rà

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, chi phí mà hiện nay người dân, DN đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

 

Đối chiếu thẻ căn cước công dân với sổ hộ khẩu tại công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Khai thác thông tin qua mã số định danh

Theo Bộ Công an, khi quản lý cư trú bằng mã số định danh, người dân sẽ được cập nhật, khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu thông tin khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền.

Khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cơ quan công an sẽ dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân để quản lý công dân. Khi tham gia các giao dịch, công dân có thể xuất trình Căn cước công dân (có thông tin về số định danh cá nhân) để cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin, không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú. Bên cạnh đó, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân. Để chuẩn bị triển khai, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Bộ Tư pháp mong sớm bỏ sổ hộ khẩu giấy

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải thông tin, Bộ Công an đã cử đoàn cán bộ đến làm việc với Bộ Tư pháp nhằm đẩy nhanh quá trình đồng bộ hóa dữ liệu hộ tịch, quốc tịch, để sớm bỏ sổ hộ khẩu. Bộ Công an quyết định giữ sổ hộ khẩu đến hết năm 2022 là có tính toán, bởi từ nay đến hết năm 2022, hai bộ còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư. “Bộ Tư pháp đang cùng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) về việc chuyển giao, đồng bộ hóa dữ liệu trong lĩnh vực hộ tịch và quốc tịch nhằm đẩy nhanh hoàn thiện, bảo đảm thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư phải thật sự chính xác. Bản thân Bộ Tư pháp cũng mong muốn hoàn thành sớm theo Luật Cư trú” – ông Nguyễn Thanh Hải thông tin.

Về lộ trình bỏ các thủ tục hành chính yêu cầu sổ hộ khẩu, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch cho hay, Bộ Tư pháp đã liệt kê ra 37 thủ tục yêu cầu sổ hộ khẩu và 5 thủ tục liên quan đến quốc tịch. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị có liên quan, đồng thời, chờ sửa đổi, bổ sung một số luật mới chính thức thay đổi được các thủ tục này.

Trước đó, chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo quy định, sau khi luật có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Theo Bộ Công an, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần