Bổ sung 2 trường hợp được gia hạn nộp thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong các điểm mới của Nghị định 106/2010/NĐ-CP là đã quy định cụ thể 5 trường hợp cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

KTĐT - Một trong các điểm mới của Nghị định 106/2010/NĐ-CP là đã quy định cụ thể 5 trường hợp cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Chính phủ ban hành Nghị định 106/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo đó, sẽ có thêm 2 trường hợp được gia hạn nộp thuế (ngoài 4 trường hợp đã được quy định tại Nghị định 85/2007/NĐ-CP). 
 
2 trường hợp được bổ sung gồm: 1- Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có số tiền thuế nợ do nguyên nhân chưa được thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; 2- Thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà đất được Nhà nước giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng được mặt bằng, chưa bàn giao đất dẫn đến không có nguồn nộp ngân sách nhà nước.

4 trường hợp được gia hạn tại Nghị định 85/2007/NĐ-CP vẫn tiếp tục thực hiện gồm: 1- Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ; 2- Di chuyển địa điểm kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh; 3- Do chính sách của nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; 4- Gặp khó khăn khách quan đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5 trường hợp bị cơ quan Hải quan ấn định thuế

Một trong các điểm mới của Nghị định 106/2010/NĐ-CP là đã quy định cụ thể 5 trường hợp cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cụ thể gồm các trường hợp: 1- Khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; 2- Từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định về việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định số thuế phải nộp; không chứng minh hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; 3- Cơ quan Hải quan có đủ cơ sở chứng minh việc khai báo trị giá hải quan của người nộp thuế không đúng với giá giao dịch thực tế; 4- Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp; 5- Các trường hợp khác do cơ quan Hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy đinh của pháp luật thuế.

Hoạt động sản xuất thủy điện phải khai, nộp 3 loại thuế

Nếu như Điều 17 Nghị định 85/2007/NĐ-CP mới chỉ quy định việc khai thuế đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu dầu thô thì Nghị định mới đã bổ sung quy định khai thuế đối với hoạt động sản xuất thủy điện.

Theo đó, hoạt động sản xuất thủy điện phải khai nộp 3 loại thuế là: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên.

Việc xác định nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên áp dụng đối với các nhà máy thủy điện bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh từ ngày 1/1/2011.

 

Kinh tế đô thị cuối tuần