Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ càphê

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh càphê Việt Nam phải được vay đủ vốn lưu động và có thể chủ động điều tiết lượng hàng bán ra.

KTĐT - Để kiểm soát giá càphê xuất khẩu, nhất là các hợp đồng giao hàng tương lai và kỳ hạn; kiểm soát, ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua, hạ giá xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu và thương nhân nước ngoài, điều cần thiết là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh càphê Việt Nam phải được vay đủ vốn lưu động và có thể chủ động điều tiết lượng hàng bán ra.

Qua tham khảo ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa trình Chính phủ xem xét việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo Quyết định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ càphê.

Để kiểm soát giá càphê xuất khẩu, nhất là các hợp đồng giao hàng tương lai và kỳ hạn; kiểm soát, ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua, hạ giá xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu và thương nhân nước ngoài, điều cần thiết là các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh càphê Việt Nam phải được vay đủ vốn lưu động và có thể chủ động điều tiết lượng hàng bán ra.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn không tiến hành tràn lan mà cần có chọn lọc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, có uy tín. Bộ cũng đề xuất những chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm và giao trách nhiệm giám sát cho Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam.

Mặt khác, ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua ảnh hưởng tới đời sống của người trồng càphê, các doanh nghiệp thực hiện thu mua càphê của nông dân theo hợp đồng với giá cả trên sàn do Ủy ban nhân dân tỉnh và Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam thống nhất quy định.

Về việc có thể hỗ trợ trực tiếp người dân khi có rủi ro về thị trường và giá cả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị trong trường hợp giá càphê trên thị trường trong nước xuống dưới giá thành sản xuất bình quân, căn cứ vào sản lượng càphê tiêu thụ trong năm, có xác nhận của chính quyền địa phương, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 100% lãi suất vốn vay cho người trồng càphê để mua vật tư, phân bón phục vụ quá trình sản xuất và chăm sóc cây càphê.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ khác đối với người trồng càphê như: được ngân hàng giải ngân trực tiếp tiền ứng trước theo hợp đồng giữa người dân với doanh nghiệp và doanh nghiệp nhận nợ với ngân hàng; được vay vốn không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 41/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn./.