Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung một số nội dung mới trong công tác dân vận

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới, đòi hỏi công tác vận động nhân dân phải được tăng cường và có sự đổi mới toàn diện, sâu sắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bàn và ra Nghị quyết về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.”
 
Bổ sung một số nội dung mới trong công tác dân vận - Ảnh 1
 
 
Bộ đội Biên phòng vận động gia đình bà con dân tộc có con bỏ học cho con trở lại lớp học. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN).

Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương về những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác dân vận những năm đổi mới vừa qua?

Ông Nguyễn Thế Trung: Như chúng ta đã biết, Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Một trong những nguyên nhân quan trọng, quyết định sự thành công đó là: Đảng ta đã kịp thời đổi mới công tác dân vận, giữ mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy được vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm đổi mới vừa qua, công tác dân vận của Đảng đã được tăng cường, đổi mới tương đối toàn diện, thu được những kết quả quan trọng. Nét nổi bật là quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước phần lớn đã thể hiện rõ, nhất quán công tác dân vận của Đảng vì nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh việc lãnh đạo, vận động, tập hợp nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều giải pháp tích cực, phù hợp cho từng đối tượng, từng lĩnh vực, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân và được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ các quan điểm, đường lối của Đảng; phát huy sức mạnh của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, mang lại nhiều thành tựu to lớn, toàn diện cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước.

Đảng ta đã tăng cường lãnh đạo mở rộng dân chủ xã hội: nhân dân được khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh, tìm kiếm việc làm; được phát huy tài năng trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo, được chăm sóc về y tế, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; được hỗ trợ khi gặp khó khăn thiên tai, dịch bệnh. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã từng bước cụ thể hóa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua mở rộng dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng đã xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc vì dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các giai cấp, tầng lớp nhân dân, thực hiện dân chủ đi liền với giữ vững kỷ cương, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự lực tự cường là cơ sở quan trọng để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thưa ông, vì sao Trung ương bàn và ra Nghị quyết “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”?

Ông Nguyễn Thế Trung: Sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế- xã hội, cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp, các tầng lớp nhân dân đã thay đổi nhanh chóng, nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần, về thông tin, về dân chủ cũng không ngừng tăng lên. Mặt khác, nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực là chủ yếu, cũng đã góp phần làm phân hóa giầu nghèo, phân cực, phân tầng xã hội, sự cách biệt về kinh tế-xã hội… đã làm nảy sinh sự phân hóa trong nhận thức tư tưởng.

Những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Lợi dụng những khó khăn của nước ta trên con đường phát triển, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân. Trong khi đó, công tác dân vận của Đảng hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Bối cảnh trên đòi Đảng ta phải kịp thời đề ra Nghị quyết để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

- Xin ông cho biết, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp được Trung ương xác định để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới?

Ông Nguyễn Thế Trung: Như Bác Hồ đã căn dặn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Công tác dân vận có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng, củng cố và nâng cao vị trí của tổ chức cơ sở đảng nói riêng và là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng nước ta nói chung.

Nhận rõ những kết quả, thuận lợi, khó khăn, thách thức, thấy hết những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Trung ương đã xác định ba mục tiêu của công tác dân vận trong thời kỳ mới như sau: Một là, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân.

Hai là, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ba là, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong tình hình mới, công tác dân vận của Đảng đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết. Trên cơ sở kế thừa những nội dung cơ bản theo 4 quan điểm về công tác dân vận của Đảng trong Nghị quyết 8B-NQ/TW (khóa VI) ngày 27/3/1990 về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân,” Ban Chấp hành Trung ương đã bổ sung, hoàn thiện một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ nhất, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ.

Thứ hai, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân, “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.”

Thứ ba, phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách cho phù hợp với lợi ích của nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng noi theo.

Thứ tư, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mọi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, trong đó: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.

Thứ năm, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành những chính sách, quy chế, quy định hợp lòng dân để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận. Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng, khoa học, hiệu quả.

Do yêu cầu của tình hình mới (cả trong nước và quốc tế), đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài sau đây:

Một là tăng cường công tác xây dựng Đảng, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo của các tổ chức Đảng và những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân để củng cố lòng tin, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp kịp thời những vấn đề mới nảy sinh. Đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, nội dung và phương pháp công tác dân vận cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể nhân dân. Thường xuyên làm tốt việc tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các quan điểm, giải pháp về công tác dân vận của Đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vể chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gương người tốt, việc tốt. Tăng cường quản lý các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, chủ động đấu tranh, xử lý các thông tin tuyên truyền bịa đặt sai sự thật của các thế lực thù địch hòng chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ba là tăng cường và đổi mới công tác dân vận của tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền các cấp.

Bốn là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Năm là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội, các hội quần chúng để tập hợp, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ban dân vận, mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp. Có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài làm công tác dân vận, chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, khắc phục tình trạng cán bộ không muốn làm công tác dân vận.

Bảy là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

Để công tác dân vận thực sự có chuyển biến mới theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), đòi hỏi các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội phải hướng về cơ sở, bám địa bàn tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường quốc phòng, an ninh trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn ông./.