Bổ sung quy định thực hiện ủy thác thi hành án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, trong đó, bổ sung quy định thực hiện ủy thác thi hành án.

Cụ thể, trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tự: Theo thoả thuận của các đương sự; nơi có tài sản đủ để thi hành án; trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất.

Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.

 
Theo Điều 55 Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.

Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.
Khi gửi quyết định ủy thác thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi kèm theo bản án, quyết định, bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản và các tài liệu khác có liên quan, nếu có.

Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự sao chụp bản án, quyết định và các tài liệu liên quan thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác.

Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác nếu xác định người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương mình thì giải quyết như sau:

- Trường hợp nhận ủy thác quyết định thi hành án chủ động thì cơ quan nhận ủy thác xử lý việc thi hành án theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện người phải thi hành án có tài sản hoặc cư trú, làm việc hay có trụ sở ở địa phương khác thì ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có điều kiện thi hành.

- Trường hợp nhận ủy thác quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thì cơ quan nhận ủy thác trả lại đơn yêu cầu cho đương sự, kèm theo tài liệu liên quan để họ làm căn cứ yêu cầu thi hành án trở lại khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành.

Thi hành án khi có thay đổi giá tài sản

Nghị định cũng bổ sung quy định thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án.

Cụ thể, chấp hành viên tổ chức định giá tài sản để thực hiện việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp có ít nhất một trong các đương sự có đơn yêu cầu định giá tài sản mà tại thời điểm thi hành án giá tài sản thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá trị tài sản khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Người có đơn yêu cầu định giá tài sản có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh có thay đổi giá tài sản, kèm theo đơn yêu cầu định giá tài sản. Tài liệu chứng minh có thay đổi giá tài sản có thể là bảng giá tài sản do UBND, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền ban hành hoặc giá chuyển nhượng thực tế ở địa phương của tài sản cùng loại.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu định giá tài sản của đương sự, Chấp hành viên phải tiến hành thủ tục định giá theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Chi phí định giá do người yêu cầu định giá chịu.

Kinh tế đô thị cuối tuần