Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay.
Quy hoạch phải đi trước một bước
Thảo luận tại phiên họp, ĐB Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung nhận xét, đánh giá được nêu trong báo cáo kết quả giám sát. Tuy nhiên, đối với phần nhận định về tồn tại, hạn chế, ĐB Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng cần phân tích, đánh giá xác định rõ hơn đâu là những hạn chế, bất cập, có tính thời điểm, bởi đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập quy hoạch cho phương pháp tích hợp có sự phối hợp đa ngành và đâu là điểm hạn chế, bất cập, chưa phù hợp sẽ có tác động ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng, hiệu quả của công tác lập, quyết định, tổ chức thực hiện quy hoạch để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Cho rằng việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia và từng địa phương là vấn đề còn thiếu sót trong quy định của pháp luật về công tác quy hoạch cần có sự bổ khuyết kịp thời nhưng chưa được nhắc đến trong báo cáo kết quả giám sát cũng như trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội, ĐB Nguyễn Phương Thuỷ đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính quốc gia, quy hoạch đơn vị hành chính của tỉnh, TP trực thuộc T.Ư vào hệ thống quy hoạch quốc gia hoặc bổ sung nội dung quy hoạch này thành một nội dung tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch cấp tỉnh. Từ đó, làm cơ sở định hướng cho việc sắp xếp, bố trí không gian phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổ chức bộ máy quản lý hành chính các cấp và trực tiếp làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 trên phạm vi cả nước đúng với tinh thần quy hoạch phải đi trước một bước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch
ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, vấn đề nổi lên là tiến độ lập quy hoạch rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch đòi hỏi phải đổi mới toàn diện theo phương pháp tích hợp. Đây là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên một phạm vi lãnh thổ xác minh nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững, trong khi chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện cũng còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ.
Cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo Nghị quyết, ĐB Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết một số nội dung có tính giải pháp như: Cần bổ sung quy định sau thời kỳ lập quy hoạch 2021-2030, việc lập quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc quy hoạch cấp cao hơn lần trước, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch cấp thấp hơn, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Văn Tuấn cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch. “Dự thảo Nghị quyết chưa có nội dung này, trong đó đối với các địa phương đã hoàn thành việc lập và được phê duyệt quy hoạch tỉnh, đề nghị Chính phủ cần giao cho UBND tỉnh chủ động phê duyệt quy hoạch đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên mà không cần xin ý kiến các Bộ, ngành đối với các trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 12 Nghị định 82 năm 2018 của Chính phủ..” - ĐB Trần Văn Tuấn đề xuất.