Bộ Tài chính: Cước vận tải giảm 3-10% là tương đối phù hợp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, cho đến nay các DN vận tải ở 38/63 tỉnh, thành đã tiến hành giảm giá cước vận tải từ 3 đến 10% trên cơ sở biến động giảm giá xăng dầu.

Theo đó, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92% đến 26,32%, mức giảm phổ biến là từ 3-10%. Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7%, mức giảm phổ biến là từ 5-10%.

Bộ Tài chính giải thích, sở dĩ tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch là do các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 thì không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%; các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Riêng các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu trên dưới 20%.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, với mức giảm giá xăng dầu tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 27% thì giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu xăng dầu chiếm từ 40-50% chi phí vận tải, nên khi xăng dầu giảm tới 27% thì cước vận tải phải giảm từ 12 -14% mới hợp lý. Ngoài ra, việc giảm giá cước của nhiều DN vận tải thời gian qua là miễn cưỡng và chỉ được thực hiện sát gần hạn chót cuối cùng là 15/1 theo yêu cầu của các bộ ngành chức năng.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập các đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Những trường hợp không chịu giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần