Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GPD và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, với những nước khác, lãnh đạo ngành tài chính tính toán, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong đó Canada là 4%; Mỹ cao nhất là 3% và nước thấp nhất là 1%.
So sánh với các nước khác, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nguồn thu từ thuế tài sản cũng chiếm khoảng 0,6% GDP tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.
Mặt khác Bộ Tài chính cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (năm 2020).
Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên nên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cư và sử dụng bất động sản lãng phí.
Đồng thời, chính sách thuế liên quan tới tài sản hiện nay chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách. Cơ quan này đề xuất nghiên cứu, ban hành riêng Luật thuế tài sản để sử dụng đất thêm hiệu quả.
“Việc đánh thuế tài sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản”, báo cáo nêu.Mặc dù báo cáo này không trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, nhưng Bộ Tài chính trước đây đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với bất động sản thứ hai trở đi của người dân.Việc xây dựng trên theo lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhằm thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách thuế với tài sản. Đại diện bộ này dẫn Nghị quyết 19-NQ/TW có nêu: “Nghiên cứu ban hành thuế bất động sản (đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất)”.