Bộ Tài chính: Mức thuế tài sản cao nhất gần 130 triệu đồng/năm

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo đánh giá tác động với dự thảo Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính công bố thừa nhận, việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất và nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

 Ảnh minh họa
Tuy vậy, cơ quan này cũng cho rằng, với nhiều trường hợp, nếu so sánh trên tổng thu nhập thì số thuế tài sản phải nộp không phải là lớn. Cụ thể, với tác động tới thị trường bất động sản, báo cáo của ngành tài chính cho rằng, những nội dung trên sẽ tác động trực tiếp trong ngắn hạn là việc đánh thuế đối với tài sản. 
Đặc biệt, cơ quan soạn thảo nêu quan điểm, việc mở rộng đối tượng chịu thuế là nhà ở sẽ góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà, đất, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất, đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán thực tế của người dân. “Có thể khẳng định rằng, thuế không phải là công cụ duy nhất ngăn chặn các hoạt động đầu cơ về nhà đất nhưng thuế là một công cụ tài chính hữu hiệu góp phần hạn chế hành vi đầu cơ của các nhà đầu tư”- báo cáo của Bộ Tài chính viết.

Bộ này cũng cho rằng, giải pháp này không ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở của người dân do việc đánh thuế đối với nhà ở có tính đến mức độ điều tiết, khả năng nộp thuế của người dân, chỉ điều tiết đối với nhà ở có giá trị lớn, trên ngưỡng không chịu thuế.

Về mặt tiêu cực, phía Bộ Tài chính thừa nhận, việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Bộ Tài chính tính toán, với phương án mức thuế là 0,3% với thửa đất có diện tích 200m2 tại nông thôn, giá 1m2 đất thấp nhất tại bảng giá đất do các tỉnh ban hành, số thuế tài sản dự kiến phải nộp (chưa tính miễn, giảm) khoảng 9.000 đồng/hộ/năm đến 270.000 đồng/hộ/năm. Số tiền trên theo tính toán chiếm từ 0,0039% đến 0,068% thu nhập bình quân hộ (4 người) đối với nhóm ngành y tế và chiếm từ 0,004% đến 0,07% thu nhập bình quân hộ (4 người) đối với nhóm ngành giáo dục.

Cũng với thửa đất, mức thuế trên nhưng giá 1m2 đất là cao nhất tại bảng giá do các tỉnh ban hành, số thuế tài sản dự kiến phải nộp (chưa tính miễn, giảm) ở mức từ 180.000 đồng/hộ/năm đến 3,9 triệu đồng/hộ/năm. Trong số này, mức thấp nhất là ở tỉnh Bạc Liêu; cao nhất là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức trên chiếm từ 0,074% đến 1,79% thu nhập bình quân hộ (4 người) đối với nhóm ngành y tế và chiếm từ 0,076% đến 1,84% thu nhập bình quân hộ (4 người) đối với nhóm ngành giáo dục. Cùng cách tính trên nhưng với đất tại khu vực thành thị, phía Bộ Tài chính tính toán, số tiền thuế phải nộp thấp nhất khoảng 18.000 đồng/hộ/năm và cao nhất là hơn 97 triệu đồng/hộ/năm.

Với phương án mức thuế là 0,4%, một thửa đất 200m2 có mức giá thấp nhất tại nông thôn là 12.000-360.000 đồng/hộ/năm. Trong khi ấy, tại khu vực thành thị, mức thu thấp nhất là 24.000 đồng/hộ/năm đến 3,168 triệu đồng/hộ/năm.

Đáng chú ý, với mức thuế 0,4%, mức thu cao nhất cũng với cách tính trên tại khu vực thành thị có thể lên tới hơn 1,3 triệu đồng-129,6 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với thửa đất ở những vị trí đặc biệt, đất mặt phố, tiền thuế phải nộp cao thì tuyệt đại bộ phận người có quyền sử dụng đất ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công còn có thu nhập cao từ việc cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh,... “Do đó, nếu so sánh trên tổng thu nhập (thu nhập từ tiền công, tiền lương và thu nhập từ hoạt động cho thuê đất, thuê nhà, kinh doanh) thì số thuế tài sản phải nộp không phải là lớn”- văn bản của Bộ Tài chính viết.

Kinh tế đô thị cuối tuần