Đạt thoả thuận về các hoạt động tài chính, tiền tệ
Đây được xem là kết quả tích cực và hợp lý với các nỗ lực làm việc sâu sát, minh bạch của Việt Nam với phía Mỹ trong thời gian qua. Thỏa thuận trên đã tái khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, phù hợp với thực tế thị trường ngoại tệ tại Việt Nam và cam kết quốc tế của Việt Nam trong vấn đề này, với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Ảnh minh hoạ |
Trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, NHNN Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao. Thời gian tới, cùng với tiến trình hiện đại hoá khuôn khổ chính sách tiền tệ, NHNN cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó giải toả các quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ.
Các quan điểm trên của NHNN đã được Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ và đồng thuận. Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho các cơ quan chính phủ khác của Mỹ, rằng họ đã đạt được thỏa thuận với NHNN để giải quyết những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, đây là bước đi mang lại lợi ích cho cả hai phía. Kết luận của Bộ Tài chính Mỹ giải phóng áp lực và cũng là tín hiệu tích cực với quan hệ thương mại Việt – Mỹ, tạo điều kiện cho những đối thoại và phối hợp sâu sát hơn trong tương lai. Kết quả này cũng mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thực tế, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được coi là rất tốt và có lợi cho DN, người dân cả 2 nước. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) trước đó đã rất lo ngại rằng cuộc điều tra theo khoản Mục 301 (Section 301), sẽ dẫn tới việc ban hành nhiều mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Từ đó “gây ảnh hưởng nguy hại” tới các DN Mỹ hoạt động ở Việt Nam vì nó làm giảm sự cạnh tranh của họ do giá cả các sản phầm tăng cao khi bị đánh thuế. Và sự phản hồi và áp lực từ cộng đồng DN Mỹ đã tạo ra sự khác biệt trong kết quả của trường hợp này.
Trong suốt cuộc điều tra, AmCham lập luận một cách mạnh mẽ rằng Mỹ và Việt Nam đã phát triển một mối quan hệ thương mại lành mạnh, và sự gia tăng thâm hụt thương mại song phương giữa 2 nước chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tái cấu trúc các chuỗi cung ứng và hoạt động gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam, chứ không phải do các hành động của NHNN Việt Nam. Cũng theo AmCham, nền kinh tế Mỹ lớn gấp 60 lần nền kinh tế Việt Nam và nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
AmCham tin tưởng mạnh mẽ rằng cả 2 quốc gia có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng và các lệnh trừng phạt thương mại sẽ không có lợi cho nền kinh tế Mỹ, nhưng sẽ tác động lớn đến người tiêu dùng Mỹ và DN của AmCham.
Theo TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh), việc gỡ nhãn thao túng tiền tệ cho thấy Mỹ kỳ vọng nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác. Hơn nữa, quan hệ Việt Nam và Mỹ vẫn ở trong đà phát triển tốt, dựa trên mối quan hệ mà lãnh đạo hai nước đã dày công gây dựng trong gần 25 năm qua.
Kỳ vọng những lợi ích chiến lược khác
Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong báo cáo về kinh tế vĩ mô mới nhất đã đưa việc gặp trực tuyến song phương vừa diễn ra giữa Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen là tín hiệu tích cực cho kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. “Với việc đạt được thoả thuận giữa 2 cơ quan, Mỹ đã dỡ bỏ đe dọa thuế quan đối với Việt Nam. Ngày 23/7, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố quyết định chính thức về cuộc điều tra Mục 301 về các hoạt động tiền tệ của Việt Nam, theo đó cơ quan này sẽ không có hành động thuế quan nào chống lại Việt Nam”- báo cáo của VEPR nhấn mạnh.
“Tuy vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì đối thoại xây dựng với phía Mỹ để xử lý các vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ngày càng ổn định và bền vững” - TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện VEPR bày tỏ.
Theo các chuyên gia, sắp tới vẫn là giai đoạn Việt Nam cần cẩn trọng trong chính sách tiền tệ, thương mại, và làm việc sâu sát cùng Mỹ để xử lý các quan ngại phát sinh. USTR sẽ phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ giám sát việc thực hiện của Việt Nam trong tương lai. Những cam kết của Việt Nam với phía Mỹ cần được triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới, nhất là đảm bảo thương mại cân bằng. Việt Nam cũng cần quyết liệt hơn trong xử lý những vấn đề mà Mỹ đang quan tâm, ngoài vấn đề về thương mại, tiền tệ, còn có nhiều vấn đề khác như an ninh mạng.
“Chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhưng cũng cần đẩy mạnh nhập khẩu, hàng hóa dịch vụ từ Mỹ nhiều hơn nữa. Trong năm 2020 vừa qua, Việt Nam cũng đã tăng nhập khẩu một số dịch vụ từ phía Mỹ. Việt Nam có thể nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có lợi thế như trang thiết bị y tế, nông sản, ICT…” - TS Cấn Văn Lực nói. Việt Nam cũng cần tập trung thị trường nội địa, nội lực của mình để giảm bớt phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế đối ngoại bên ngoài, tăng tự cường tự lực. Cùng Mỹ nghiên cứu, khuyến khích các DN thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.
NHNN cho biết, sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cần thiết để Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích kỹ lưỡng và báo cáo về hoạt động của NHNN trên thị trường ngoại hối, trong Báo cáo định kỳ 6 tháng của Bộ Tài chính Mỹ trước Quốc hội về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của nước này.
Về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Mỹ mang tính bổ sung cho nhau. Việt Nam và Mỹ cần tận dụng đà tăng trưởng đã đạt được trong thời gian qua để hướng tới một tầm cao mới. Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, công nghệ cao, thiết bị khoa học kỹ thuật… Đây đều là những lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của hai bên. Bà Marie C. Damour - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh |