Theo Kế hoạch, trong 5 năm (2016 - 2020), Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh tra tại 24 tỉnh, thành phố theo các chuyên đề. Trong 2 năm 2016 - 2017, thanh tra việc chấp hành việc pháp luật trong quản lý đất đai cấp huyện, xã tại 3 tỉnh (mỗi tỉnh 1 đơn vị cấp huyện và 2 đơn vị cấp xã) là TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ); Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hóa). Riêng các tỉnh Lâm Đồng, An Giang và Bình Phước sẽ kế thừa kết quả thanh tra trong năm 2016 để tổng hợp, đánh giá. Đồng thời, sẽ thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại 5 tỉnh, thành phố; mỗi tỉnh, thành thanh tra thủ tục hành chính do cấp tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện thực hiện.
Lấn chiếm ao hồ là hình thức vi phạm pháp luật đất đai (ảnh minh họa - chụp tại hồ Văn Chương - Hà Nội) |
Năm 2018, thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế tại 6 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, mỗi tỉnh sẽ thanh tra 3 Khu Công Nghiệp, Khu Kinh tế
có dấu hiệu vi phạm. Năm 2019, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài Khu công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai tại 6 tỉnh là: Bắc Giang, Hà Nam, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và Tây Ninh (mỗi tỉnh thanh tra 6 cơ sở sản xuất kinh doanh). Năm 2020, thanh tra việc cấp hành pháp luật đất đai trong quản lý sử dụng đất trồng lúa tại tỉnh: Hương Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An và Hậu Giang.
Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì thực hiện việc thông báo lại trên các phương tiện truyền thông về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình hình vi phạm đất đai trong trường hợp cần thiết. Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các thông tin do Bộ TN&MT tiếp nhận và chuyển về địa phương để giải quyết. Đặc biệt, thanh, kiểm tra đột xuất đối với các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chỉ đạo, giải quyết. Dựa trên kết quả thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm theo từng năm, Tổng cụ Quản lý đất đai sẽ đề xuất hoàn thiện Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và ác quy định về xử phạt hành chính nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. |
Vẫn theo kế hoạch trên, UBND các tỉnh, thành phố (kể cả các địa phương đã có trong kế hoạch thanh kiểm tra của Bộ), năm 2016, 2017 sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện, xã và việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai ở các cấp từ 1/7/2014 đến thời điểm thanh, kiểm tra. Trong đó, cấp tỉnh thanh, kiểm tra tại 5 huyện và 2 xã; UBND cấp huyện thanh kiểm tra tối thiểu 5 xã mỗi huyện.
Năm 2018, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với khu kinh tế và 2 Khu công nghiệp (nếu có), 2 cụm công nghiệp. Chú trọng các khu, cụm có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Năm 2019, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 20 cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai. Năm 2020, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cấp tỉnh và 5 huyện trực thuộc.
Để thực hiện đề án này, Bộ TN&MT chỉ đạo các địa phương thực hiện Kế hoạch cụ thể ở địa phương trình UBND cấp tỉnh phê duyệt trước ngày 15/12/2016. Với cơ quan quản lý đất đai các cấp, cần thiết lập công bố rộng rãi và thông báo thường xuyên về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, phải cử cán bộ trực để tiếp nhận phản ánh; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của từng cơ quan quản lý đất đai các cấp. Các thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ rõ ràng phải được chuyển để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả giải quyết các thông tin phản ánh phải được tổng hợp về cơ quan tiếp nhận thông tin để theo dõi, báo cáo.
Các Sở TN&MT chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả, tiếp nhận và giải quyết các thông tin phản ánh vi phạm ở địa phương về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp và báo cáo. UBND cấp tỉnh kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện nội dung này. Thời gian thực hiện liên tục từ năm 2016 đến năm 2020.