Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đẩy nhanh dịch vụ viễn thông công ích

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị tổng kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặt mục tiêu đưa tối đa các dịch vụ công cộng phục vụ người nghèo, cận nghèo.

Sáng nay 23/7, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
 Bộ TT&TT sớm đẩy nhanh Dịch vụ Viễn thông công ích. Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình cung cấp Dịch vụ Viễn thông công ích đến năm 2020, với sự chủ động chỉ đạo triển khai và việc xây dựng đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn nên Bộ TT&TT đã hoàn thành nhiệm vụ thu đóng góp.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, ngoài sự chủ động, sát sao của Bộ TT&TT; sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan phải kể đến sự tích cực và nghiêm túc của các doanh nghiệp viễn thông đã đáp ứng yêu cầu, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ TT&TT.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ TT&TT), giai đoạn 2015 - 2019, các doanh nghiệp viễn thông trong cả nước đã đóng góp tổng số 8.182 tỷ đồng, đạt 112% so với kinh phí Chương trình. Nguồn thu Quỹ đã tạo nguồn tài chính cho việc chủ động thực hiện chính sách cung cấp Dịch vụ Viễn thông công ích tại Việt Nam và được phân bổ cho 5 hạng mục, trong đó hỗ trợ thiết lập hạ tầng có tổng mức phân bổ lớn nhất chiếm 46,7%.
Cũng theo Quyết định 1168, Chương trình cung cấp Dịch vụ Viễn thông công ích đến năm 2020 đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 1.9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiều kênh chương trình khác với chất lượng cao về âm thanh và hình ảnh.
Nhờ đó, đến ngày 11/01/2021, Việt Nam đã công bố hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất cao hơn khoảng 30 lần so với truyền hình tương tự.
Mặt khác, việc hoàn thành số hóa truyền hình đã giải phóng được trên 100 MHz thuộc băng tần 700MHz, là băng tần "vàng" để phát triển viễn thông trong tương lai, trong khi vẫn có đủ tần số cho nhiều kênh truyền hình hơn trước đây.
Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá, Chương trình đã đem lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và an sinh xã hội; đặc biệt Chương trình đã tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận với dịch vụ viễn thông với mức giá hợp lý.
Cũng trong năm 2020, Bộ TT&TT đã chủ động đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thu đóng góp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19.
Trong giai đoạn tới, Chương trình cung cấp Dịch vụ Viễn thông công ích sẽ hướng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ viễn thông công ích theo phạm vi, đối tượng thụ hưởng cụ thể, với chất lượng và giá cước dịch vụ hợp lý.
Trong đó ưu tiên đảm bảo tất cả các thôn, bản, làng, ấp, đảo có người sinh sống và các nhà giàn được cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Để giảm khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư trên phạm vi cả nước, Chương trình cung cấp Dịch vụ Viễn thông công ích đến năm 2025 sẽ hỗ trợ hiện thực các mục tiêu về chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, dịch vụ thông tin di động tại tất cả các địa bàn cấp thôn trên phạm vi cả nước; đồng thời hỗ trợ các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục; hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng dịch vụ với mức giá cước hợp lý….
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng cơ chế chính sách để cùng triển khai. Đặc biệt, là phải đẩy nhanh và phát triển các dịch vụ công cộng phục người nghèo, cận nghèo vào chương trình, như việc phát Wifi tại các khu vực công cộng như đại diện Quảng Nam đề xuất.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với các Sở TT&TT, Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn các chương trình, mục tiêu cần thực hiện, như ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Bộ TT&TT sẽ đưa tối đa các dịch vụ công cộng phục vụ người nghèo, cận nghèo vào chương trình mới. “Bộ TT&TT cam kết đổi mới thực hiện chương trình trong thời gian tới để việc triển khai thực hiện được tốt hơn, duy trì lâu dài, phục vụ cho những nơi kém phát triển hay vùng đồng bào gặp khó khăn. Bộ TT&TT mong các Bộ/ngành ủng hộ để Chương trình này khả thi để phục vụ bà con ở vùng sâu xa ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần