Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư ra nước ngoài

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ KH&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó có một nội dung quan trọng là sẽ bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN).

Thay vào đó là cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn ĐTRNN tại cơ quan Nhà nước quản lý ngoại hối.
Cơ hội giao thương quốc tế

Giải thích cho việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, nhiều nước trên thế giới chỉ thực hiện chế độ kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư và có chính sách cấm, hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài trong một số trường hợp nhất định để đảm bảo cân đối vĩ mô cũng như tính hợp pháp của nguồn tiền, mà không quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Lý do là những hoạt động này được thực hiện tại nước tiếp nhận đầu tư và phải tuân thủ pháp luật của nước đó.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Thực tế, ĐTRNN đang được xem là xu hướng mới của DN Việt Nam hiện nay. Thống kê của Bộ KH&ĐT, đến đầu năm 2017, các DN Việt Nam đã đầu tư sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 21,4 tỷ USD. Nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài vượt ngưỡng 1 tỷ USD như: PVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Golf Long Thành.

ĐTRNN giúp DN rất nhiều trong nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh. “Đặc biệt, hoạt động ĐTRNN giúp Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi phân phối lao động toàn cầu” - ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Software nhận xét. “Thị trường trong nước sẽ bão hòa trong một số lĩnh vực và muốn tăng trưởng mạnh cần hướng ra nước ngoài. Vươn ra thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam không còn bị bỏ xa hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà chỉ chậm hơn một vài năm”- ông Tiến chia sẻ.

Vẫn kiểm soát được dòng tiền

Mặc dù quy định thoáng hơn trong khâu cấp Giấy chứng nhận đăng ký, nhưng đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự thảo cũng sẽ có nhiều quy định để giám sát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở phải tuân thủ các quy định khác có liên quan. Trên thực tế, tổng vốn ĐTRNN lũy kế của các DN Việt Nam khoảng 21,4 tỷ USD, nhưng thực hiện chỉ khoảng 7 tỷ USD. Số lợi nhuận đã chuyển về nước đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Số vốn đã chuyển ra nước ngoài của các tập đoàn được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu (nguồn gốc vốn Nhà nước) nhưng đến nay chưa có cơ chế giám sát riêng về khâu đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí quản lý DN của dự án ĐTRNN.

“Cơ chế mới không làm mất đi công cụ quản lý hoạt động ĐTRNN, mà trái lại góp phần củng cố công tác quản lý đối với hoạt động này phù hợp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước”- đại diện Bộ KH&ĐT cho biết. Cụ thể, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước (đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước) và người có thẩm quyền của DN theo quy định pháp luật về DN (đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác), quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Còn cơ quan quản lý ngoại hối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn vốn chuyển ra nước ngoài nhằm đảm bảo để NĐT sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật về ngoại hối. Ngoài ra, theo chức năng, thẩm quyền, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan tham gia quản lý nguồn vốn và tài sản Nhà nước chuyển ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư.
Hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam phong phú và đa dạng với nhiều ngành nghề như: Thông tin truyền thông, y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, bất động sản, kho bãi, GTVT, giải trí, nghệ thuật… Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý theo phương án nêu trên, Bộ KH&ĐT cho biết, Chính phủ sẽ quy định rõ quyền, nghĩa vụ và tránh nhiệm của NĐT thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.