“Bỏ” tiền vào đâu để sinh lời?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy luật trong kinh tế thị trường, đồng tiền sẽ "chảy" từ chỗ có lãi suất thấp sang chỗ có lãi suất cao. Vậy kênh đầu tư nào sẽ có lãi suất cao nhất vào lúc này?

Đối với kênh đầu tư kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, với thước đo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dự báo CPI cả năm 2014 có thể chỉ tăng dưới 3%, chủ yếu do tổng cầu vẫn còn yếu. Nếu tính cả tháng 1, tháng 2 năm 2015 - tức là các tháng trước và sau Tết Nguyên đán (thường có CPI cao hơn) thì tốc độ tăng CPI bình quân cũng chỉ dưới 1%/tháng, bởi vì thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán thấp, tổng cầu thấp chưa có dấu hiệu phục  hồi. Hơn nữa, không phải ai cũng có khả năng và có điều kiện để "nhảy" vào kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, trừ những người đang hoặc có khả năng kinh doanh.
Khách hàng giao dịch vàng miếng tại Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong.       Ảnh:  Việt Linh
Khách hàng giao dịch vàng miếng tại Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong. Ảnh: Việt Linh
Trong khi đó, với kênh đầu tư vàng, khả năng cả năm giá còn giảm cao hơn, do cả 2 nhóm yếu tố trên thế giới và từ trong nước. Trong khi giá vàng trên thế giới có xu hướng giảm, dự báo khả năng giảm xuống 1.000 USD/ounce trong 2 năm tới thì giá vàng trong nước do chưa liên thông với thị trường vàng thế giới, lượng vàng ở trong dân hiện còn khá lớn, yếu tố truyền thống và tâm lý tích trữ vàng của người dân..., nên trong thời gian dài vẫn cao hơn giá vàng thế giới (hiện đã lên tới khoảng 5 triệu đồng/lượng). Điều này đã tạo sự  hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu, kể cả các nhà đầu cơ nhập lậu. Đây cũng có thể là yếu tố làm cho tỷ giá VND/USD cách mấy tháng lại có "sóng". Với các yếu tố trên, không nên đầu tư vào vàng. So với đỉnh điểm, giá vàng thế giới chỉ còn 61%, giá vàng trong nước còn trên 71%; chênh lệch giá trong nước và thế giới sẽ được kéo giảm.

Đầu tư vào USD, nhìn trong thời gian dài thì không có lợi. Nguyên nhân chủ yếu do "cánh kéo tỷ giá" hiện nay vẫn còn ở mức 2,86 lần (giá USD tại Việt Nam có sức mua gấp 2,86 lần tại Mỹ). Lãi suất tiền gửi bằng VND lớn hơn lãi suất tiền gửi ngoại tệ; tỷ giá một thời gian dài tăng thấp (khả năng cả năm nay cũng chỉ tăng dưới 1%). Nguyên nhân quan trọng khác là do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn khá dồi dào đến từ các nguồn xuất siêu (khoảng 2 tỷ USD); lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,16%; lượng vốn ODA giải ngân khả năng cả năm đạt kỷ lục 5,5 tỷ USD; lượng kiều hối dự báo đạt 12 tỷ USD…

Kênh đầu tư chứng khoán năm 2014 đã 2 lần có dấu hiệu hồi phục và vượt qua mốc 644 điểm, cao nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tốc độ tăng 16,7% cũng được coi là hết khả năng có thể tiếp tục tăng. Đã có dự đoán chứng khoán đang như muốn lặp lại vào tháng 3/2007 đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, trước khi chuyển sang đầu tư vào bất động sản.

Kênh đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần ở một vài phân khúc nhưng do nguồn vốn đã tới hạn nên nhiều dự án phải hạ giá bán lẻ hoặc tìm đối tác sang nhượng cả công trình... Do đó, giá bất động sản thời gian tới vẫn khó tăng, thậm chí vẫn phải giảm giá để tiêu thụ, thu hồi vốn, trả nợ...

Kênh gửi tiết kiệm thời gian trước có lãi suất thực dương, an toàn, thích hợp với những món tiền không lớn và với một số đối tượng không biết đầu tư vào đâu hoặc những nhà đầu tư "tạm trú" vào tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư vào một kênh nào đó. Tuy nhiên, lãi suất dù có thực dương cũng không đáng kể. Hơn nữa, lãi suất tiết kiệm chỉ là thước đo để đo lãi suất thực trên các kênh khác mà thôi, không phải là kênh đầu tư.