Bộ TN&MT tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hiện thực hóa các cam kết về môi trường, việc nhanh chóng bắt nhịp với bạn bè quốc tế trong công nghệ, giải pháp là rất cần thiết. Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò cơ quan đầu mối liên tục đẩy mạnh công tác hợp tác với các cơ quan môi trường quốc tế.

Đảm bảo vai trò cầu nối

Theo một số chuyên gia, thời gian tới, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ và thông tin tiếp tục chi phối công tác đối ngoại, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT). Đặc biệt, giữa bối cảnh Việt Nam và thế giới vẫn đứng trước những thách thức lớn về vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học dẫn đến những tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhiều quốc gia.

Do đó, Bộ TN&MT với tư cách cơ quan đầu mối của Chính phủ cần thường xuyên thực hiện các hoạt động hợp tác trong khu vực và quốc tế, song phương, đa phương nhằm tận dụng kinh nghiệm để nghiên cứu, áp dụng sao cho phù hợp với đặc thù trong nước. Đồng thời có thể đề xuất hỗ trợ bằng nguồn lực tài chính, công nghệ, chuyên gia đối với các tổ chức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của các quốc gia.
Ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của các quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhận định vai trò chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao phó, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ, từ đầu năm 2022, lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương ở phạm vi khu vực, quốc tế theo nhóm các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể; chủ động tham gia các khuôn khổ hợp tác sẵn có và tìm kiếm, mở rộng hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác mới, có tiềm năng.

Điển hình như triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường; Ủy ban Bão; Tổ chức Khí tượng thế giới; Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; Công ước Viên về bảo về tầng ô-dôn và các Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Công ước Stockholm về các chất POP tại Việt Nam; Công ước Đa dạng sinh học... qua đó đạt được nhiều cam kết hợp tác chung, hỗ trợ thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm việc với Đại sứ về biến đổi khí hậu của EU Marc VANHEUKELEN tại trụ sở Cơ quan đối ngoại của EU, Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Monre.gov.vn)
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân làm việc với Đại sứ về biến đổi khí hậu của EU Marc VANHEUKELEN tại trụ sở Cơ quan đối ngoại của EU, Vương quốc Bỉ. (Ảnh: Monre.gov.vn)

Đối với hoạt động hợp tác song phương, Bộ TN&MT tiếp tục duy trì và thúc đấy hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với các quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Lào, Campuchia, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Phần Lan, Na Uy, Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Italia, Đan Mạch, Hoa Kỳ... với nhiều nội dung. Mặt khác, Đoàn công tác của Bộ TN&MT thực hiện Chương trình công tác đi Châu Âu do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân dẫn đầu đã thăm và làm việc với các tổ chức quốc tế về môi trường, cũng như các quốc gia hàng đầu về phát triển kinh tế môi trường.

6 nhiệm vụ đẩy mạnh đối ngoại

Trong 6 tháng cuối năm 2022, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng, tranh chấp thương mại giữa các đầu tàu kinh tế thế giới chưa được dàn xếp ổn thỏa. Từ đó, có thể dẫn tới các nguồn hỗ trợ phát triển và cho vay ưu đãi sẽ bị ảnh hưởng. Các tổ chức khu vực vì lý do giữ vững phát triển kinh tế trong nước có thể tạo nên những chia rẽ hoặc phân nhóm trong tổ chức do theo đuổi các mục đích và lợi ích riêng. Do đó, Bộ TN&MT đã xác định các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoài về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, tập trung quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động đoàn ra, đoàn vào và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; tiếp tục quản lý việc triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực các biên bản ghi nhớ đã ký kết và chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới, cho các lĩnh vực, vấn đề mới.

Thực hiện và kịp thời phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để giám sát quá trình thực hiện, tránh chồng chéo trong xây dựng đề xuất dự án mở mới sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài.

Nghiên cứu, xây dựng chiến lược hợp tác tổng thể với các đối tác song phương và đa phương cũng như trong các khuôn khổ hợp tác quan trọng về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; lồng ghép các lĩnh vực quản lý để hình thành các chương trình, dự án phù hợp với ưu tiên của nhà tài trợ để đề xuất thực hiện;

Tăng cường tham gia, phát huy vai trò đề xuất các sáng kiến, giải pháp tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế nhất là các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc về tài nguyên và môi trường. Tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ về chuyên gia, thiết bị, kỹ thuật và tài chính từ việc tiếp cận các nguồn phi chính phủ nước ngoài hoặc từ các Quỹ hỗ trợ phát triển;

Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TN&MT để có thể tiếp cận các công nghệ khai thác tài nguyên và xử lý môi trường tiên tiến, hạn chế các tác động tiêu cực. Chủ động, tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho đào tạo, tăng cường năng lực nhằm phục vụ cho các mục tiêu lâu dài;

Tiếp tục xây dựng một số dự án hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính chất đa ngành/lĩnh vực và liên vùng, xuyên biên giới tập trung vào các lĩnh vực được nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm như: thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chống xói lở bờ sông, bờ biển, giám sát xâm nhập mặn, kiểm kê trữ lượng các bon mặt đất, tính toán phát thải khí nhà kính,...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần