Vĩnh Phúc:

Bố trí cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp 28 đơn vị hành chính

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giảm được 15 đơn vị hành chính cấp xã. Số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là 229 người, và phương án giải quyết chế độ đối với họ như thế nào đang khiến dư luận rất quan tâm.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh thông tin về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 6/2024 tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: Sỹ Hào
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh thông tin về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 6/2024 tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: Sỹ Hào

Thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã

Thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 6/2024 tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: giai đoạn 2023- 2025, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện sắp xếp 28 hành chính cấp xã (trong tổng số 136 đơn vị) để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đối với cấp huyện, tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 7 huyện, 2 thành phố, không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp.

Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới tên là Hai Bà Trưng; huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu; huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh; huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn; huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu vào xã Hải Lựu; và sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn.

Tại huyện Vĩnh Tường, sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường; sáp nhập xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Sao Đại Việt; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã An Nhân; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; sáp nhập xã Vĩnh Ninh với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú.  

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giảm được 15 đơn vị hành chính cấp xã (14 xã, 1 phường).

UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động đảng viên, cán bộ công chức viên chức và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Qua đó, đã tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ công chức viên chức và Nhân dân về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

“Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã rất sớm so với cả nước. Quá trình thực hiện, đã được Đoàn khảo sát, kiểm tra việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn đánh giá rất cao về công tác chuẩn bị, cũng như những kết quả đạt được.” – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh thông tin.  

Giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp  

Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng cán bộ, công chức cấp xã của 28 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp là 502 người, trong đó 280 cán bộ, 222 công chức. Trong số này, có 273 người sẽ được bố trí tại 13 xã mới hình thành sau sắp xếp (143 cán bộ, 130 công chức).

Đối với số cán bộ, công chức dôi dư là 229 người (137 cán bộ, 92 công chức), Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết dự kiến phương án giải quyết như sau: giải quyết nghỉ hưu đúng tuổi cho 19 người; điều động luân chuyển sang các đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu là 162 người; nghỉ chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP có 9 người; nghỉ tinh giản biên chế 39 người.

Đối với số người hoạt động không chuyên trách của 28 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp là 225 người. Trong đó, số người được sắp xếp bố trí lại 161 người.

Còn lại số người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 64 người, dự kiến sẽ vận động, thuyết phục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.     

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Sau khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giảm được 15 đơn vị hành chính cấp xã." Ảnh Sỹ Hào. 
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Sau khi thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giảm được 15 đơn vị hành chính cấp xã." Ảnh Sỹ Hào. 

Về phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn về việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, địa phương sẽ có phương án chuyển đổi, quản lý và sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí, hoặc để tài sản trụ sở hư hỏng, xuống cấp.

Cân đối, bố trí nguồn ngân sách đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế tại địa phương.