Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bố trí tiếp nhận rác thải ùn ứ tại các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác

Công Trình - Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 16/7, các trạm trung chuyển, nhà máy xử lý rác được tăng cường phối hợp ngăn chặn tình trạng ùn ứ rác thải do người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) chặn xe rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đều đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận, xử lý…

Việc tiếp nhận rác theo yêu cầu của TP được HTX Thành Công thực hiện một cách nghiêm túc. Ảnh: Công Trình
Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) cho biết, theo thiết kế, Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Bãi Tây Mỗ) có khả năng tiếp nhận 12.000 tấn rác, trong đó, khả năng tiếp nhận ước tính là 1.200 tấn/ngày. Cũng theo ông Khải, thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội về việc tiếp nhận rác tại 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Chi nhánh Cầu Diễn đã tiến hành dựng tường rào ngăn cách khu tiếp nhận rác với khu dân cư, tạo rãnh, hố thu nước rỉ rác theo đúng quy định nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đối với môi trường xung quanh. Đối với mặt bằng tiếp nhận, đơn vị đã tiến hành rắc vôi bột lên bề mặt và đổ trực tiếp lên nền (nền bê tông), Đối với khu vực là nền đất, đơn vị đã tiến hành san ủi, đầm nén, rắc vôi bột và trải bạt lên toàn bộ nền đất.
Cùng với đó, để việc tiếp nhận rác diễn ra thường xuyên, liên tục, đơn vị đã bố trí hệ thống chiếu sáng đầy đủ cho các phương tiện, bố trí nhà tạm điều hành để phục vụ công tác điều độ, cất trữ tạm thời một phần vật tư. Đồng thời, bố trí máy xúc, xe bồn để hút nước rỉ rác, rửa đường, máy phát điện… và các loại máy móc thiết bị khác theo thực tế như máy bơm, máy phun thuốc ruồi, khử mùi…
Ngoài ra, đơn vị đã bố trí công nhân tổ chức phân luồng giao thông tại đường ra – vào đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn và trật tự. Bố trí công nhân tại các điểm phân luồng xe, xi nhan cho các xe ra – vào và quán triệt tới toàn bộ lái xe tuân thủ tuyệt đối điều hành phân luồng, không bấm còi và tuân thủ biển báo chỉ dẫn, tốc độ không quá 30km/h khi vận chuyển rác trên đường đến điểm tập kết… để hạn chế thấp nhất những ảnh có thể gây ra cho các khu vực xung quanh.
Tương tự, theo lãnh đạo HTX Thành Công, thực hiện yêu cầu của Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) của HTX Thành Công cũng đã sẵn sàng các biện pháp để tiếp nhận, xử lý rác phát sinh hàng ngày tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng.
Cũng trong ngày 16/7, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn đã họp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và cấp ủy, chính quyền các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ để bàn các giải pháp tháo gỡ, vận động người dân dừng việc chặn xe chở rác, bảo đảm an ninh trật tự.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương, các ngành, đoàn thể của huyện sẽ chia thành các tổ công tác phối hợp cùng Đảng ủy, chính quyền các xã vận động từng bước đến từng hội viên của các hội, đoàn thể tại cơ sở để người dân không ngăn cản xe chở rác vào bãi. Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Với những kiến nghị của người dân, huyện Sóc Sơn tiếp thu và báo cáo UBND TP Hà Nội xin phương án tháo gỡ.
Ghi nhận cho thấy, ngày 16/7, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) vẫn chặn xe chở rác vào cổng phía Bắc và phía Nam của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Đồng thời, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0 - 500m) tính từ hàng rào bãi rác; đề nghị xem xét tăng mức giá đền bù, hỗ trợ mặt bằng.