Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Trăn trở để đạt mục tiêu tăng trưởng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là tư lệnh nắm vững nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm có nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, người đứng đầu ngành công thương đã thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được và tồn đọng trong việc quản lý trước kỳ họp Quốc hội sắp tới, cũng như sự kiện APEC đang diễn ra.

Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng như để thực hiện những lời hứa với Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương đã xây dựng một bản Kế hoạch hành động để xác định rõ những yêu cầu nhiệm vụ, phân giao trách nhiệm cho các đơn vị và thống nhất tập trung triển khai thực hiện với 111 nhiệm vụ, tập trung vào 8 nhóm vấn đề lớn. Đến nay, sau gần 6 tháng tập trung triển khai thực hiện, một số công việc đã được hoàn thành, một số công việc khác còn cần được tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhiều nút thắt được gỡ
Thời gian qua, trong lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bộc lộ nhiều vấn đề, Bộ trưởng có ý kiến gì?
- Đây là lĩnh vực được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đề cập nhiều, Bộ Công Thương xác định phải quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét, lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực này để bảo vệ quyền lợi của người dân.
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Với mục tiêu đề ra như trên, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp, hành động quyết liệt để kiểm tra, phát hiện, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không tuân thủ pháp luật, qua đó đến nay đã đạt được những kết quả chuyển biến rõ nét. Ở đây tôi xin nêu mấy con số để cho thấy điều này. Chẳng hạn, nếu như cuối năm 2015, đầu năm 2016 có 67 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 27 doanh nghiệp xuống còn 40 doanh nghiệp. Trong số này, có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 10 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Trong 4 tháng qua, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tiếp tục giảm thêm 4 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp chủ động chấm dứt hoạt động, 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 01 doanh nghiệp thông báo hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng. Tính tới hết tháng 4/2017, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp còn hoạt động là 36 doanh nghiệp, giảm 46% so với cuối năm 2015.
Trong khi đó, theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2016 là 637.637 người, giảm 212.363 người (25%) so với cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 4/2017, sau khi tiến hành chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, số lượng người tham gia tiếp tục giảm xuống còn khoảng 472.000 người, giảm 44% so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, xuất phát từ tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng gia tăng và có tính chất phức tạp trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung một tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 để có thể trực tiếp xử lý các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Hiện Bộ Công Thương đang làm việc tích cực với các cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự thảo.
Với những nỗ lực trong thời gian qua, công tác quản lý đối với lĩnh vực này đã đạt được những chuyển biến tích cực như đã nêu trên: Số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm từ 67 xuống còn 36 doanh nghiệp; Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm 44% so với cuối năm 2015; Nhận thức của người dân đối với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã được cải thiện đáng kể.
Vậy trong lĩnh vực bảo đảm an toàn môi trường như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, trước hiện trạng đang có nhiều rủi ro, nguy cơ đối với môi trường từ nền sản xuất với hệ thống công nghệ, thiết bị đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ; với quyết tâm chỉ rõ nguyên nhân và xử lý triệt để, tận gốc các nguy cơ tiềm ẩn gây tác động xấu tới môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
Chỉ thị này là định hướng quyết liệt, xuyên suốt đối với cơ quan quản lý môi trường của ngành, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất nhằm chung tay rà soát, đánh giá rõ thực trạng để đề xuất các quyết định kiên quyết loại bỏ, cải tạo, cải tiến, lựa chọn đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm xử lý dứt điểm các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để phối hợp hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 – 2020, trong đó tập trung vào các nội dung: Lập và phê duyệt quy hoạch; thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp từ giai đoạn lập, thi công và vận hành dự án.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ giữa năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã tập trung tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực đánh giá môi trường chiến lược. Về việc rà roát, kiểm tra công tác chấp hành Luật BVMT và kiểm tra tại các cơ sở có hoạt động xả thải ra cửa sông, ven biển và các cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định, tiến hành kiểm tra tại 30 doanh nghiệp và kết quả cho thấy về cơ bản các DN đã nghiêm túc chấp hành các yêu cầu của pháp luật về BVMT
Đặc biệt, đối với ngành nhiệt điện than (ngành có các các vấn đề về môi trường như khí thải, chất thải rắn công nghiệp thông thường và lượng nước làm mát rất lớn), Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than có phương án cải tiến công nghệ ESP để đưa vào hoạt động ngay khi khởi động lò và thay thế nhiên liệu khởi động lò từ dầu FO, HFO sang dầu DO nhằm giảm triệt để tình trạng khói đen ra môi trường. Đến nay đã có một số nhà máy và dự án hoàn thành việc cải tiến, bao gồm: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2...
Trong những việc đã làm được thời gian qua kể từ khi được giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ khóa XIV, Bộ trưởng cho rằng đâu là điểm sáng nhất?
-Sau hơn một năm được giao nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Công Thương, mặc dù thời gian chưa nhiều, song điều lớn nhất tôi thấy mình đã làm được tới thời điểm này là đã tạo được một tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ trong hoạt động của Bộ Công Thương với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện những cải cách đó trong toàn ngành Công Thương.
Mặc dù đây là quá trình sẽ còn phải được thực hiện những năm tiếp theo, nhưng những gì đạt được tới thời điểm này cũng đã ghi nhận hướng đi đúng và những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong đó, việc cải cách tổ chức bộ máy và cải cách thể chế được coi căn bản, mang tính nền tảng cần được tập trung ưu tiên thực hiện trước. Ngoài ra, tập trung cải cách thể chế, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của người dân.
Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng
Vậy những việc gì Bộ chưa làm được, chưa làm tốt mà Bộ trưởng còn đang trăn trở?
-Những việc trăn trở thì nhiều. Quá trình đổi mới, hoàn thiện để bảo đảm phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, cho người dân là một quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm và cả sự đổi mới. Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi quản lý rộng với nhiều vấn đề phức tạp, tác động lớn đến doanh nghiệp, người dân. Làm sao để các ngành công nghiệp phát triển bền vững; khơi thông được thị trường trong nước; đẩy mạnh xúc tiến, đàm phán để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thị trường rộng lớn hơn cho xuất khẩu… là những trăn trở lớn của cá nhân tôi cũng như của ngành Công Thương nói chung.
Trong những tháng còn lại của năm 2017, Bộ trưởng sẽ ưu tiên những việc gì trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay?
-Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện những mục tiêu đã đặt ra trong định hướng cải cách chung của Bộ. Đó là: Xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn liền với cải cách hành chính; Tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp; Xử lý vấn đề về tổ chức phát triển thị trường trong nước, tăng cường trật tự thị trường, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh quản lý hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.
Trong đó, kế hoạch 6 tháng cuối năm sẽ đặt trọng tâm vào việc thực hiện các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đã được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Xác định những mục tiêu chiến lược phải đạt được là: Phối hợp tốt trong điều hành vĩ mô để bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm không quá 4%; Tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, để làm động lực cho phát triển chung của toàn ngành công nghiệp. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm đạt trên 8% để đóng góp vào tăng trưởng GDP chung của cả nước; Tìm mọi biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu, bảo đảm yêu cầu về tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu không quá 3,5% để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thực hiện các biện pháp để khơi thông thương mại trong nước, phấn đấu chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm tăng trưởng đạt mức 2 con số.