Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không bỏ điểm sàn đại học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (11/6), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trả lời chất vấn các ĐB Quốc hội về vấn đề chất lượng đào tạo đại học, chất lượng dạy nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp; đề án đổi mới giáo dục, trong đó tập trung vấn đề thay sách giáo khoa.

ĐB Nguyễn thị bích nhiệm (tỉnh Yên Bái): Đề nghị Bộ trưởng giải thích tại sao môn thi ngoại ngữ lại là môn tự chọn?
​​Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Khi thiết kế chương trình dạy và học, thi đều phải đồng bộ. Trong quá trình triển khai dạy, học và thi thì khi thi có thể thay đổi dẫn đến dạy và học thay đổi. “Chúng ta thay đổi căn bản, kiểm tra kiến thức học thuộc lòng giờ chuyển sang kiểm tra khả năng vận dụng, thực tế, tổng hợp kiến thức cả khóa học, xã hội, chính trị, pháp luật, giáo dục công dân để tạo ra sức lan tỏa, để học sinh làm bài, bản thân các thầy cô giáo, phụ huynh cũng ủng hộ…” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã giúp các thầy cô hình dung phải thay đổi hình thức dạy và học, từ truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển kĩ năng. Hai khối công việc độc lập. Thứ nhất là xây dựng mới một chương trình giáo dục phổ thông theo lối tiết kiệm phát triển năng lực, trên cơ sở đó biên soạn SGK trên chương trình đó, cách dạy, học, thi mới phù hợp với SGK đó. Quá trình này sẽ được triển khai khi được Quốc hội, chính phủ phê duyệt. Thứ hai, đối với các thầy cô giáo, học sinh đang dạy, học theo chương trình hiện nay cũng phải thay đổi. Bộ GD-ĐT đã vận dụng NQ 29 của Đảng để thay đổi cách dạy, học, thi, kiểm tra, từng bước thay đổi cách học của HS từ chương trình cũ sang phát triển năng lực, giảm tải nội dung,bỏ kiến thức cũ không còn phù hợp…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không bỏ điểm sàn đại học - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn.
Cùng với ĐB Nhiệm, ĐB Phạm Thị Hải chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về trình độ ngoại ngữ của HS-SV Việt Nam còn nhiều bất cập, là rào cản trong quá trình hội nhập với của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ quyết định môn thi ngoại ngữ là môn tự chọn. Bộ trưởng giải thích chủ trương nhất quán là dạy và học NN cho nhân lực tương lai.

Trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, chúng tôi đã khảo sát các môn học, bậc học, trong đó có môn NN thì thấy rằng cách dạy, học, thi của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu theo khu vực và thế giới. Học sinh học chủ yếu ngữ pháp do đó khi học hết phổ thông cũng không nói NN được, nghe người nước ngoài nói cũng không hiểu hết, nên phải thay đổi. Trong khi chưa thay đổi được thì Bộ không khuyến khích. Các thầy cô giáo dạy NN ở bậc phổ thông chưa đạt chuẩn nên chúng tôi phải điều chỉnh lại môn NN.

Trước đây, chúng ta nói thi NN bắt buộc, không phải là hoàn toàn, những nơi chưa thích hợp thì cho thay thế. Bộ GD-ĐT đang tập trung vào lực lượng giáo viên đã có thể thay đổi theo xu hướng chung của khu vực và thế giới.

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu thực trạng, thông tin cho thấy gần 72.000 SV tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm hoặc làm việc không phù hợp với nghề được đào tạo. Bộ có chính sách, biện pháp gì để giải quyết thực trạng này? Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Bình Định) hỏi mất cân đối trong đào tạo giữa thầy và thợ ngày càng lớn? Bài toán phân luồng học sinh sau phổ thông sẽ như thế nào? Bộ trường cho biết năm nào giáo dục VN khắc phục được hạn chế trên?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Trách nhiệm của Bộ trong việc để số lượng SV sau tốt nghiệp ĐH-CĐ chưa có việc làm là trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường ĐH chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, tổ chức đào tạo theo khả năng mình có, chưa có đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thêm nữa là quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho trường còn thiếu quy định chặt chẽ, chưa theo kịp phát triển của thực tiễn trong và ngoài nước; nội dung dung đào tạo chưa chú trọng khả năng làm việc nhóm, ứng dụng CNTT, ngoại ngữ…

Chính những lý do trên dẫn đến quy mô tuyển sinh và SV tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo vẫn còn thấp. Bộ cùng các cơ sở GD có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên. 

Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập trường, cải tiến quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường được thành lâp nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô giáo mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh, đã đào tạo.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không bỏ điểm sàn đại học - Ảnh 2
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận): Thời gian qua dư luận đánh giá cao đổi mới của ngành giáo dục nhưng vẫn còn bức xúc về nhiều thay đổi như thi tốt nghiệp THPT, rút 6 môn còn 4 môn,... tuy nhiên dư luận rằng Bộ đánh giá không toàn diện, như này sẽ khuyến HS lệch, gây căng thẳng cho HS, phụ huynh. Bộ trưởng có nhận định như thế nào? Thời gian tới có còn đổi mới kỳ thi nào hay không? Cho đến khi nào chỉ còn 1 kỳ thi và kỳ thi theo hình thức nào?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khái quát, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, số lượng môn thi tốt nghiệp bao gồm 6 môn, trong đó có 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ là bắt buộc, còn lại các môn là do Bộ chọn: Sử, Lý, Hóa, Sinh vật. Theo phân tích đánh giá, 3 môn bắt buộc cùng với các môn HS theo học một cách đầy đủ, trường dạy chu đáo. Với các môn lựa chọn các cháu vừa học vừa chờ đợi, dẫn đến tình trạng đối phó.

Bộ Quy định 31/3 mới công bố để đề phòng việc dạy và học đối phó. Bộ đưa ra không xem xét tốt nghiệp chỉ có 4 môn mà học gì thi nấy. Quốc gia tổ chức thi 4 môn, địa phương và cơ sỏ đánh giá các môn còn lại. Quá trình thi năm nay quán triệt thứ nhất là kết quả toàn bộ kết quả học tập trong năm lớp 12, và kết quả 4 môn.

Qua kỳ thi cho thấy thấy thí sinh lựa chọn môn Sử ít, Bộ đề nghị khắc phục tình trạng này là chú trọng sự phát triển của các cháu trong quá trình hình thành nhân cách một cách thực chất. Học sinh yêu Sử muốn học ngành nghề yêu thích nghề có liên quan đến môn Sử sẽ thi môn Sử. Như vậy sẽ tôn trọng và phát huy được năng lực, sở trường của học sinh. Việc xuất hiện hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh, Bộ sẽ tính toán sao cho hiệu quả, nhưng đây là biểu hiện của quá trình thay đổi từ dạy cho số đông chuyển sang dạy, hình thành phát triển toàn diện cho học sinh.

Bên cạnh thiết kế chương trình mới để làm mới hoàn toàn chương trình dạy và học phát triển năng lực, các học sinh vẫn học theo chương trình cũ vẫn phải học theo cách cũ nhưng sẽ phải thi theo cách mới để phát triển năng lực của học sinh, đồng thời thầy phải thay đổi cách dạy, trò thay đổi cách học. Nhưng thay đổi phù hợp, không tạo bất ngờ, không gây sốc. Việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong kế hoạch cho một kỳ thi quốc gia, tuyển lựa các học sinh vào ĐH, CĐ.

Trả lời về vấn đề của học sinh nội trú và vấn đề cử tuyển, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong những năm vừa qua, Đảng và Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các học sinh dân tộc nội trú, nhà ở, bể nước, trang thiết bị... Bộ đã có đề xuất và Thủ tướng đã đồng ý, các trường dân tộc nội trú mới ở bậc THCS cấp huyện, còn cấp tỉnh chỉ có 1 trường THPT; mở rộng trường THCS cấp huyện thành trường liên cấp THCS, THPT để các học sinh học liên tục, không có chuyện bỏ dở giữa chừng, có chỗ ăn, chỗ ở tập trung để các cháu theo học ở trường phổ thông nội trú ở thị xã, thị trấn… Đồng thời, để thu hút các học sinh học và nâng cao chất lượng, không lãng phí đầu tư của nhà nước và đáp ứng được nhu cầu học của các học sinh và gia đình.

Trước câu hỏi của ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) về cử tri cho rằng bỏ điểm sàn thi ĐH? Chất lượng của đào tạo từ xa? Bộ trưởng khẳng định lại không có bỏ điểm sàn ĐH mà có 2, 3 mức điểm sàn để phân tầng đại học, không có việc tạo điều kiện cho các trường khó khăn, chưa tuyển sinh được thì tuyển sinh...

Riêng về vấn đề cử tuyển, Bộ đã xem xét và dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực về ngành nghề, địa chỉ học của học sinh, trừ một số trường rất ít có yêu cầu tuyển chọn theo năng khiếu như thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, trường y… thu hút các cháu, tổ chức chương trình dự bị để học sinh có kiến thức phổ thông đủ để theo học kiến thức, không có chênh lệch với các đối tượng khác. Ở những lĩnh vực đào tạo có hiệu quả thì khuyến khích phát triển, còn những cơ sở đào tạo làm không đúng, không hiệu quả thì sẽ bị xử lý.

ĐB Nguyễn Xuân Thùy (Phú Thọ): Đối với chuyên ngành sư phạm có bất cập là không còn thu hút được HS khá giỏi vào học tập, nghiên cứu. Điểm trúng tuyển vào chuyên ngành sư phạm những năm gần đây thấp, đặc biệt là trường sư phạm ở địa phương. Bộ đã ban hành chính sách gì và thực hiện giải pháp nào để thu hút người học vào chuyên ngành này.

Bộ trưởng cho rằng cần có chính sách thay đổi với HS-SV chuyên ngành sư phạm, chính sách miễn học phí rất có hiệu quả trong mấy năm trước. Miễn học phí cho các cháu giảm gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là gia đình khó khăn. Tuy nhiên, kinh tế phát triển, đời sống của người dân tăng lên, việc giảm học phí không còn sức hút như lúc đầu nữa. Học sinh tốt nghiệp THPT còn nhìn vào khả năng cống hiến của mình cho xã hội sau này để quyết định theo học hay không theo học sư phạm. Một thực tế nữa là nhiều học sinh sau khi học sư phạm nhưng sau này không công tác trong ngành sư phạm.

Đối với các trường sư phạm, Bộ đã chủ động rà soát các mạng lưới đào tạo sư phạm của cả nước để có kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ để điều chỉnh. Nhu cầu bổ sung đội ngũ giáo viên trong thời gian này và tới đây đã ổn định nên phải điều chỉnh quy hoạch cán bộ giáo viên.

Vấn đề giáo dục đạo đức, đánh nhau, xin báo cáo với Quốc hội: Giáo dục toàn diện với HS-SV đang là vấn đề Bộ tập trung chú ý, Bộ cũng đã có một số thay đổi trong chỉ đạo công việc này.

Thứ nhất, chú ý hướng các cháu có các hoạt động trải nghiệm. Thứ hai, bằng các giải pháp khác nhau để gắn nhà trường với xã hội như CCB, Hội phụ nữ, giáo chức…, phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực để giáo dục lòng yêu nước, quê hương của HS-SV, dạy các môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, các môn chính trị, các thời gian tập huấn đầu năm học phối hợp với Trung ương Đoàn để các HS-SV tham gia hoạt động, để cải thiện năng lực…

Qua theo dõi xử lý các hoạt động phong trào của HS-SV ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ thấy nhận thức của các em cơ bản là tốt, tuy nhiên chúng ta không coi nhẹ, không chủ quan, nhất là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp dạy học trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Không bỏ điểm sàn đại học - Ảnh 3
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng phân tích về 2 hệ thống kiểm định trong và kiểm định ngoài. Bộ trưởng Luận trả lời có hai kiểm định, một là kiểm định trong, nội bộ; hai là kiểm định ngoài, có nhiều tổ chức kiểm định, của các hội ngành nghề, nghề nghiệp hình thành trung tâm kiểm định. Tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, Bộ GD-ĐT đã cho thành lập hai trung tâm quốc gia để kiểm định. Có nhiều đơn vị xin thành lập trung tâm này nhưng phải đáp ứng nhiều điều kiện mới có thể thành lập được. Thứ ba là phải có thực tiễn, Bộ cho thành lập tại ĐH Quốc gia và đang tổ chức đào tạo các kiểm định viên. Từ thực tế, chúng ta có thể mở rộng, tránh tiêu cực của tác động thị trường. Vì nếu mở ra không đúng, xử lý rất tốn kém và không hiệu quả.

Về vấn đề phân luồng, theo con số thống kê, kết quả phân luồng đã có biểu hiện tốt, thí sinh thi ĐH, CĐ năm nay và năm ngoái so với năm trước là giảm đi, trong khi số lượng học sinh vào học nghề được nâng lên. Giải pháp phân luồng sắp tới, cùng với Bộ Thương binh Xã hội chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, liên thông trong nội bộ nghề và giáo dục, trong khối ASEAN, chủ động để hội nhập ASEAN vào năm 2015. Bộ GD-ĐT sẽ có báo cáo với Thủ tướng để xử lý công việc cụ thể.

Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH, CĐ, chúng ta đang theo mô hình ưu tiên về số lượng, chất lượng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng làm việc nhóm, ngoại ngữ… chưa có hiệu quả. Bộ GD-ĐT đề nghị thay đổi chương trình đào tạo, tranh thủ hợp tác quốc tế để cập nhật chương trình đào tạo quốc tế từ các nước có thế mạnh mà chúng ta cần, tăng cường hoạt động kiểm định, giai đoạn 2006-2010 chúng ta thành lập số lượng trường ĐH tương đối lớn (bình quân hơn 30 trường/năm), từ năm 2011 nay, chỉ khoảng 6-7 trường/năm, trong đấy trường QPAN được thành lập mới.

Về cơ bản, sẽ không thành lập thêm nhiều trường mới nữa, trừ một số trường có chủ trương, đặc biệt. Bộ sẽ tập trung rà soát quy hoạch, những trường có giấy phép thành lập mà chưa triển khai sẽ bị thu hồi lại. Hiện Bộ đã tạm dừng tới năm 2015 không nhận hồ sơ mới để thành lập trường ĐH-CĐ. Các tỉnh luôn có nguyện vọng thành lập các trường ĐH, qua đây xin các đồng chí chia sẻ lo lắng, quan tâm của Quốc hội về vấn đề này.

Về chương trình dạy tiếng dân tộc, chúng tôi chỉ đạo chương trình nhờ vào các địa phương, già làng có hiểu biết về tiếng dân tộc. Hiện nay đã ban hành 6 chương trình tiếng dân tộc rồi, về mặt Bộ có chế độ chính sách hỗ trợ cho những giáo viên dạy tiếng dân tộc, hỗ trợ trang thiết bị cho nhà trường và học sinh. Nhiều dân tộc cũng chưa có chữ viết, nhiều đồng chí ở tỉnh còn đề nghị học thông viết thạo tiếng Việt để hội nhập, để con em họ không bị lạc hậu về tiếp cận thông tin, kỹ thuật.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Nước ta có nhiều tiến sĩ nhất khu vực nhưng những bài báo sản xuất từ tiến sĩ ít nhất. Vậy bằng Tiến sĩ được sử dụng không liên quan đến ngành đào tạo. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm...

Theo Bộ trưởng Luận, chủ trương của Bộ sẽ tiếp tục chấm dứt đào tạo thạc sĩ (TS), tiến sĩ ngoài trụ sở nhà trường. Số lượng chỉ tiêu đào tạo TS, Tiến sĩ sẽ được giảm đi, gắn với việc tiêu chuẩn chất lượng nâng lên. Chỉ xác định danh sách trên giảng viên cơ hữu của nhà trường, ban hành quy chế đào tạo TS, tiến sĩ mới theo hướng bổ túc kiến thức, cập nhật thành tựu khoa học, yêu cầu về mặt chất lượng luận án. Đó là những giải pháp đã được chúng tôi triển khai.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở đào tạo TS, tiến sĩ trong nước có điều kiện tiếp nhận chương trình, công nghệ, phương pháp đào tạo mới từ nước ngoài, mời các chuyên gia đầu ngành của các ĐH danh tiếng thế giới sang cùng tham gia hội đồng đào tạo TS, tiến sĩ, đổi mới chương trình dạy, học, xử lý nghiêm minh vi phạm được phát hiện trong quá trình đào tạo.

Về tiêu cực trong thi cử, Bộ trưởng cho biết, gian lận trong thi cử vẫn còn. Giải quyết nạn tiêu cực trong thi cử có nhiều giải pháp nhưng hướng của chúng ta phải làm là để người học không dám, học sinh không dám, không cần gian lận. Muốn vậy cần thay đổi cách học, cách thi theo hướng đánh giá để hình thành năng lực phẩm chất. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi là kỳ thi có tiến bộ rất rõ rệt về thái độ. Những năm trước báo chí có nêu nhiều, quay nhiều, chụp nhiều về hình ảnh phao thi trắng sân trường nhưng trong kỳ thi lần này đã giảm và chúng ta có cơ sở để giải quyết nạn tiêu cực trong thi cử.

Đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐB Quốc hội đã nêu trong sáng nay. Báo Kinh tế & Đô thị online sẽ tiếp tục tường thuật phiên chất vấn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần