Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Còn nhiều khó khăn thực hiện chương trình phổ thông mới

Thủy Trúc - Chi Lê ghi.
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (5/9), lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 diễn ra đồng thời trên cả nước. Trước ngày khai giảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chia sẻ thẳng thắn về công tác chuẩn bị năm học mới, thực hiện các nhiệm vụ của ngành cũng như những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thăm hỏi, chia sẻ, động viên thầy trò vùng lũ Sơn La
Ưu tiên quy hoạch mạng lưới trường học
Thưa Bộ trưởng, ngày mai sẽ diễn ra Lễ Khai giảng năm học mới, tuy nhiên, hôm nay, nhiều trường học ở Phú Thọ, Sơn La vẫn chạy đua khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ GD&ĐT đã có hỗ trợ gì để chuẩn bị khai giảng?

- Để chuẩn bị đón năm học mới 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT và toàn ngành đã chuẩn bị các điều kiện cho ngày khai giảng, trong đó có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Các địa phương cũng đã rất cố gắng chuẩn bị những điều kiện này. Đối với Sơn La và nhiều địa phương ở phía Bắc, các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo chuẩn bị chu đáo những điều kiện đảm bảo an toàn khai giảng năm học mới.

Mấy ngày trước, tôi đã lên thăm Sơn La và cùng địa phương rà soát các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới. Tôi đã chứng kiến nhiều trường bị thiên tai phá hủy hầu hết tất cả các điều kiện, chỗ ở, chỗ học, thiết bị… Tôi rất cảm động khi chứng kiến các thầy cô, lực lượng quân đội, an ninh ở khu vực đã rất cố gắng sửa sang lại nhà trường để đón năm học mới. Và, cũng đã chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo Bộ phân công nhau, động viên các thầy cô chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn đối với cái các trường học.
Trong năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp. Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên những nhiệm vụ nào?

- Nhiệm vụ thứ nhất mà ngành phải thực hiện là sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các trường từ mầm non đến đại học. Trong đó, chú ý đến tính khoa học, hợp lý, tránh tình trạng bố trí giáo viên một cách cơ học. Đối với cấp mầm non và phổ thông thuộc về trách nhiệm của địa phương, chúng tôi đã có hướng dẫn các quy định, quy chuẩn để tham khảo.

Về phát triển đội ngũ - đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định thành bại của đổi mới GD&ĐT, vì thế Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng, nhằm nâng cao chất lượng giáo viên cũng như đội ngũ quản lý giáo dục. Để làm được điều này, đầu tiên phải sửa hệ thống các chuẩn, tránh tình trạng hiện nay một số địa phương nói thừa chuẩn, vượt chuẩn nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện theo hướng phát triển năng lực…

Nhiệm vụ thứ ba hết sức quan trọng đó là tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất. Chúng tôi đã cùng với các bộ tham mưu trình Chính phủ đề án kiên cố hóa trường lớp kết hợp với chương trình khác, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực khó khăn.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém, ví dụ như đổi mới phương thức thực hiện phát triển nâng cao trình độ ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường. Đối với đại học, chúng tôi quan tâm đến thực hiện tự chủ, bước đầu 23 trường thí điểm có kết quả tốt. Đẩy mạnh tự chủ ĐH cũng là để nâng cao chất lượng, gắn việc đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu sử dụng.
Phối hợp giải bài toán thiếu trường lớp, giáo viên

Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã được nêu ra đối với ngành giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không thể thiếu giáo viên, thiếu lớp học ngay khi bước vào năm học mới. Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc này thế nào?

- Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Tôi và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo phải tính toán để đảm bảo số giáo viên cho các lớp học theo định biên quy định của ngành. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo kiên cố hóa trường lớp, đặc biệt là những vùng khó khăn. Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tôi hy vọng nay mai Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này để góp phần nâng cao điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, còn những khó khăn gì ảnh hưởng đến lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?

- Chuẩn bị cho thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm của ngành, đã được thực hiện hết sức công phu, bài bản từ năm 2015 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Bộ đã chỉ đạo ban soạn thảo xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học và lấy rất nhiều ý kiến của tầng lớp nhân dân và trong ngành, cũng như các tổ chức. Cho đến nay, chương trình tổng thể và chương trình các môn học có thể đáp ứng được yêu cầu và trong nay mai sẽ ban hành.

Tuy nhiên, điều mà tôi lo lắng chính là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp – là hai điều kiện quan trọng nhất. Với hai điều kiện này, Bộ GD&ĐT lại không thực hiện trực tiếp được mà phải làm việc với Bộ Nội vụ. Bởi như tôi đã nói, hiện nay thừa/thiếu giáo viên rất nhiều, chế độ đãi ngộ nhà giáo thì căn cứ vào luật viên chức và công chức. Còn cơ sở vật chất trường lớp thì phụ thuộc nhiều vào Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi cũng cố gắngvcùng với lãnh đạo các bộ liên quan để tạo điều kiện tốt nhất nhưng việc thực hiện là địa phương bởi do đã có sự phân cấp.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!