Sáng 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Năng suất lao động Việt Nam không thấp hơn Lào, Campuchia
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung về việc, người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để nâng sức lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố chủ đạo là vốn, công nghệ và kỹ năng, trình độ của lao động. "Tôi không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia" - Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, lao động Việt Nam phân bổ khu vực nông nghiệp cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thấp. Quy mô lao động Việt Nam lớn, đáng lẽ một việc một người làm nhưng phải san sẻ ra bốn, năm người làm. Thời gian tới, thị trường lao động sẽ được cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và hạn chế ngành nghề thâm dụng lao động.
Tranh luận tại hội trường về vấn đề năng suất lao động, đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn tỉnh Trà Vinh) nêu rõ, năng suất lao động thấp còn do một nguyên nhân nữa là do tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Thay vì một cá nhân chịu trách nhiệm về việc đó thì chúng ta sẽ tổ chức cuộc họp.
Vì vậy, đại biểu Bế Trung Anh cho rằng, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó. Do đó, khi nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc, chúng ta phải có ngay giải pháp phối hợp với các bộ, ngành khác để có giải pháp tốt hơn trong việc nâng cao năng suất lao động.
Tìm giải pháp căn cơ cải thiện mức thu nhập của công nhân lao động
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên (Đoàn tỉnh Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng cho biết cần quan tâm và có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế suất?
Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6 % so với quý IV/2022.
Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia. Tuy nhiên, có thể thấy lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ.
Giải pháp cho vấn đề này cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra: tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình. Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Phó Vụ trưởng Văn hóa Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) nêu thực trạng năm 2023, nền kinh tế đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động chịu nhiều rủi ro. Bên cạnh khó khăn kinh tế, tình trạng mất việc làm diễn ra nhanh chóng quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội gửi đại biểu cho thấy số lượng thất nghiệp của Việt Nam thấp. Lao động thôi việc, mất việc là 279.000 người; lao động bị ngừng, nghỉ việc không lương là 17.000. "Đề nghị Bộ trưởng giải trình cách đánh giá, số liệu đã sát với tình hình hay chưa?" - đại biểu Tuyết Nga chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam 2,25% "là thấp". "Đánh giá này hoàn toàn khách quan, khoa học, dựa trên tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng, tỷ lệ thất nghiệp dựa trên cơ sở người lao động có nhu cầu làm việc nhưng không có việc làm hoặc không làm việc một giờ trong tuần; họ sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm, đang tìm việc. Tổng cục thống kê Việt Nam đang mở rộng thêm một số tiêu chí.
Theo đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh (Đoàn tỉnh Bình Định), sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình và có nhiều vấn đề xã hội khác. Có ý kiến cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp và người lao động hiện đang gặp phải hiện này còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch Covid-19. Trong giai đoạn Covid -19, chúng ta đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động.
Do đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi, trong giai đoạn hiện nay, theo Bộ trưởng có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay không?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, dù lao động có khoản tích lũy, nhưng thời gian qua đã sử dụng hết nên cuộc sống trở nên khó khăn. "Chúng tôi đang đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng thực trạng, dự báo chính xác từ nay đến hết năm và năm sau để có chính sách dài hạn và ngắn hạn" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, cho biết hiện chưa thể đưa ra chính sách cụ thể.
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở này tại các địa phương trong thời gian qua còn có nhiều khiên cưỡng, mang tính cơ học, chưa tính tới yếu tố đặc thù của một số lĩnh vực, dẫn đến nhiều bất cập trong đào tạo và tuyển sinh, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho biết, các chính sách, chế độ đặc thù cho nhà giáo giảng dạy đối với các lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập, khiến cho việc đào tạo nguồn nhân lực văn nghệ sĩ ngày càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xem xét thấu đáo, đánh giá lại việc sắp xếp vừa qua, tránh làm thiếu hụt nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi chất vấn về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, không chỉ riêng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thời gian qua khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương cũng đã sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện sắp xếp lại cơ bản được thực hiện đúng, tuy nhiên cá biệt có một số trường hợp còn khiên cưỡng.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp ngành y lại xếp chung trường với ngành công nghiệp cơ khí, hoặc văn hóa nghệ thuật ghép chung với các trường khác, để đảm bảo tiêu chí giảm đầu mối cao đẳng nghề tại địa phương. Bộ trưởng cho biết, với những ngành nghề có tính chất đặc thù, chuyên biệt, chẳng hạn như y tế, văn hóa, nghệ thuật, cần bố trí cho phù hợp.
Theo Nghị quyết số 19, chỉ sắp xếp đối với các trường khi có 3 năm liền hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giảm đầu mối đã xuất hiện một số bất cập. Bộ trưởng cho biết, việc sắp xếp các trường trung cấp ở địa phương do địa phương quyết định, nên đề nghị các địa phương xem xét, rà soát vấn đề này để có giải pháp, quyết định thấu đáo.