Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói lý do chưa tăng lương cơ sở cán bộ, công chức từ 1/7

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/5), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội, khiến thu ngân sách gặp khó.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong tình hình khó khăn như thế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch. Công chức, viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên được đảm bảo. Trong tình hình này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính, thống nhất đề nghị với Chính phủ chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7.

"Chúng tôi cũng sẽ làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại. Thời gian cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định” - ông Tân nói.
Ông Tân thừa nhận nếu chưa thực hiện tăng lương từ ngày 1/7 sẽ gây ảnh hưởng nhấn định đến người hưởng lương từ ngân sách nhưng trong bối cảnh chung của cả nước, còn những thành phần của xã hội càng khó khăn hơn, do đó cần dành phần tăng lương này để ngân sách nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Việc chưa tăng lương tác động làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình đại dịch Covid-19.
Thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở sẽ phụ thuộc vào tình hình ngân sách. “Đến thời điểm cho phép, chúng tôi tiếp tục đề nghị tăng lương” - ông Tân nói.
Theo dự kiến ban đầu, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng từ 1/7/2020. Trước đó, ngày 20/5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.
Đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu về tăng mức lương cơ sở là một trong nhiều giải pháp trọng tâm của Chính phủ gửi tới Quốc hội nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái "bình thường mới" sau dịch COVID-19.