Bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời chất vấn về chống tin giả, báo hoá tạp chí

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chính phần chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4/11. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4/11. Ảnh: Quochoi.vn

Hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi số. Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số; Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức sâu sắc vấn đề này nên đã có nhiều cố gắng trong những năm qua. Tuy nhiên, có những việc đã làm được nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, những vấn đề mới phát sinh; đồng thời luôn coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển.

Các vấn đề các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, về vấn đề, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới để tất cả chúng ta chung tay làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ sẽ lắng nghe các vị đại biểu Quốc hội, trả lời một cách có trách nhiệm nhất, hết khả năng của mình với tinh thần hết sức nghiêm túc và cầu thị.

ĐB Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn Long An). Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn Long An). Ảnh: Quochoi.vn

Mức phạt để xử lý tin giả trên mạng còn quá thấp

Câu hỏi đầu tiên được ĐB Quốc hội Lê Thị Song An (Đoàn Long An) gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về 2 vấn đề chính: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót... để xử lý tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng; Vấn đề thứ hai, ĐB chất vấn về vai trò và trách nhiệm Bộ trưởng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. 

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.

Để xử lý một cách căn bản, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Đồng thời tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Về vấn đề tin giả, Bộ trưởng cho biết, trên không gian số, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.

Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài. Vấn đề tiếp theo ĐB nêu ra là việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội được “báo hóa” hiện nay diễn ra như thế nào và tại sao lại khó khăn như vậy?

Trả lời chất vấn của ĐB Nghĩa, Bộ trưởng nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn. Giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.

Về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát. Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

 

Nội dung nhóm vấn đề thứ 2 bao gồm: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia;

Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.