Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ TT&TT trả lời chất vấn về lời giải cho bài toán kinh tế báo chí

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào đối với báo chí truyền thống…

Sáng 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

"Chuyển đổi số, không gian mạng là mặt trận chính của báo chí"

Báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực viễn thông đang bước vào công cuộc đổi mới lần hai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đề xuất ban hành chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.  

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, với môi trường không gian mạng, Bộ Thông tin & Truyền thông đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo báo chí trên môi trường mạng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như: Facebook, Youtube… và tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng, các quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ Luật pháp Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nhìn nhận, trên thực tế, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu tạo nên góc nhìn toàn cảnh về ngành thông tin và truyền thông, chỉ rõ những vấn đề, hạn chế, tồn tại... đồng thời sẽ mở những giải pháp mới, cách làm mới trong phát triển lĩnh vực này.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí; các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo là trên môi trường trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn  
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn  

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách, có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.

"Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí"- Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết.

Đồng thời thông tin, trong kế hoạch sửa đổi Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí không nên chạy theo mạng xã hội, phải có sự biệt với mạng xã hội, đồng thời dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

“Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực” - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thanh kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của một số phóng viên, biên tập viên thời gian qua, phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, để trục lợi?. Qua đó, bảo đảm hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ, mục đích, để tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trả lời về các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi mạng xã hội ra đời, cũng đặt ra những vấn đề đối với báo chí truyền thống. Báo chí muốn giữ vững vị thế của mình, cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội. Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh, báo chí nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt, tuy nhiên so với 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo và gần 45.000 người làm báo, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, 80% trong số người bị bắt này thuộc các tạp chí nhỏ, tạp chí thuộc các tổ chức hội nghề nghiệp, những nơi mà cơ quan chủ quản, Tổng Biên tập có sự buông lỏng quản lý đối với cơ quan báo chí và phóng viên của mình.

Bàn về cách để xử lý vấn đề tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên Bộ công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không.

Ngoài ra, công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, “nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”. Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát nhiều hơn các tạp chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.