Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Rà soát thủ tục, quy định liên quan đến tiền đặt cọc

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia giải trình trong phiên chất vấn diễn ra chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát khung pháp luật liên quan tiền đặt cọc, phí...

Tham gia giải trình trong phiên chất vấn diễn ra chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc đấu giá tài sản là câu chuyện giao dịch, mua bán rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nhiều nước có truyền thống bán đấu giá từ hàng trăm năm. Việt Nam có quy định đấu giá từ năm 1996, khi Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn

Nếu so sánh quy định Việt Nam với các nước, có một số khác biệt. Chỉ Việt Nam và Trung Quốc có luật về đấu giá tài sản, còn các nước khác theo luật dân sự chứ không có quy định riêng. Tài sản các nước đấu giá chủ yếu là tư nhân. Còn ở Việt Nam tài sản tư nhân đấu giá ít. Giá khởi điểm do các bên thỏa thuận.

Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau chuyển thành tiền đặt cọc, trung bình các nước 5-25%. Việc chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không nước nào có quy định cụ thể, bởi nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn chứng, một cặp dưa lưới ở Nhật có thể được đấu giá lên đến một tỷ đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam). Một bức tranh có thể được đấu giá hàng triệu USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đấu giá tại Việt Nam hiện quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục. Nhưng liên quan đến tài sản nào lại liên quan luật chuyên ngành đó. Về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự. Những vụ việc vừa rồi xảy ra, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ, vì vậy cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.

“Trong trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý. Qua các vụ vừa rồi, cần rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát khung pháp luật liên quan tiền đặt cọc, phí... liên quan đấu giá về đất đai” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh.