Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: tháo gỡ đến cùng khó khăn, pháp lý cho doanh nghiệp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Hội đồng Phối hợp phổ biến pháp luật T.Ư, bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, theo sát và cùng cộng đồng doanh nghiệp “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải…

Ngày 9/10, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật T.Ư tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố.

Diễn đàn có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật T.Ư.

Cầu nối để “lắng nghe tiếng nói” của nhau

Đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chủ đề, nội dung của Diễn đàn bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII: “Thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.

“Hội đồng Phối hợp phổ biến pháp luật T.Ư, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, theo sát và cùng cộng đồng doanh nghiệp “tháo gỡ đến cùng” các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cam kết.

Thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật tập trung thảo luận 2 vấn đề lớn: Giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và những vấn đề pháp lý về thuế cùng giải pháp tháo gỡ.

Thủ tục đầu tư như mê hồn trận

Trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phản ánh hiện có 15 luật "can thiệp" vào bất động sản. Trước kia theo cơ chế mỗi bộ, ngành soạn một luật nên thiếu sự đồng bộ, thống nhất của các luật. Vừa rồi đã sửa đồng bộ các luật (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở) nên đã đồng bộ, hạn chế tính không đồng bộ của các luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo luật chưa thực sự sát với thực tế.

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phản ánh hiện có 15 luật "can thiệp" vào bất động sản. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phản ánh hiện có 15 luật "can thiệp" vào bất động sản. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tư pháp

Ông Nguyễn Quốc Hiệp dẫn chứng, thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng, đối thoại với người dân hiện nay gặp nhiều vướng mắc. Sau khi thông báo đầy đủ cho các tổ chức, chính quyền ở địa phương, phải 60 ngày sau chủ đầu tư mới được đối thoại với người dân.

“Dự án của chúng tôi có 177 bước, qua 360 ngày mới đủ để đối thoại, để cưỡng chế. Thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng. Về thủ tục hành chính, có dự án cần tới 38-40 con dấu" - ông Hiệp nêu thực trạng; đồng thời đề nghị, dù đã có quy trình mẫu để giải quyết thủ tục hành chính, nhưng cần kiểm tra lại quy trình này bởi chưa có chế tài khiến kéo dài các thủ tục. Trong khi, dự án nào cũng điều chỉnh quy hoạch, nhiều cái không quan trọng nhưng phải đủ các cấp, sau đó lại phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Làm thật mới thấy thực tế nan giải, thủ tục như mê hồn trận.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thời gian qua môi trường đầu tư, kinh doanh đã được rà soát, hoàn thiện cải cách rất nhiều
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thời gian qua môi trường đầu tư, kinh doanh đã được rà soát, hoàn thiện cải cách rất nhiều

Trao đổi một số thắc mắc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định thời gian qua môi trường đầu tư, kinh doanh đã được rà soát, hoàn thiện cải cách rất nhiều. Khi phê duyệt các dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng phải lường trước các tác động tới môi trường, xã hội, phải xem xét, đánh giá thận trọng.

Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên & Môi trường) Vũ Sĩ Kiên cho hay, Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ 4 hình thức tiếp cận đất đai, minh định các hình thức, trường hợp sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu và không thông qua đấu giá, đấu thầu, cũng như điều kiện cụ thể để tổ chức thực hiện. Chúng ta đã thực hiện chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang kiến tạo phát triển...