Sớm thanh toán việc mượn sinh phẩm y tế chống dịch Covid-19
Chiều 23/5, tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn tỉnh Bình Thuận) cho biết, hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận nhiều đơn của các công ty liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết.
Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết nhưng cho đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu mong Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện Bộ rất quan tâm đến vấn đề thanh toán sau dịch Covid- -19. Liên quan đến vay, mượn thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm rõ, việc tạm ứng vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế hiện chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi này.
Qua đợt chống dịch vừa qua, do tình hình cấp bách, một số đơn vị y tế, địa phương phải thực hiện vay, mượn, tạm ứng để có điều kiện đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Khi kết thúc dịch, việc xử lý vấn đề này vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật. Nếu tiến hành đấu thầu để trả bằng hiện vật thì sinh phẩm vật tư dùng cho chống dịch hiện cũng không làm gì, nếu trả bằng tiền thì trả ở mức độ nào và nguồn như thế nào. Chính vì vậy sau giám sát, Nghị quyết 99 của Quốc hội đã đề cấp đến vấn đề này và giao Chính phủ đề xuất phương án xử lý.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương để có phương án trình. Đến nay, Bộ đã làm việc để tổng hợp thống kê số lượng vay mượn. Từ đó Bộ xây dựng Tờ trình đề xuất phương án, đã gửi xin ý kiến các Bộ ngành, địa phương. Bộ sẽ cố gắng tổng hợp sớm các ý kiến để sớm trình phương án giải quyết.
Tính toán kỹ bài toán tăng lương với tự chủ của ngành giáo dục
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) thông tin, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều ý kiến của cử tri ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nền giáo dục cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của Nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.
Nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo. Điều này sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Do đó, cử kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác và thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.
Cùng với đó, cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Người dân đặc biệt quan tâm tới việc siết chặt giá vàng
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến liên quan tới việc cải cách hành chính trong lĩnh vực tín dụng; xây dựng các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các chính sách liên quan thuận lợi hơn so với điều kiện cho vay thông thường để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận; cử tri kiến nghị cần có phương án giải quyết thỏa đáng, triệt để kiến nghị liên quan đến hành lang thoát lũ sông Đáy; giải pháp xử lý việc lừa đảo trực tuyến...
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Đoàn tỉnh Tây Ninh) phản ánh, thời gian gần đây cử tri đặc biệt quan tâm tới việc các cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Qua đối thoại giữa cơ quan quản lý và Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh cho thấy, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng.
Đại biểu nêu: các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép các doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm mà Nhà nước quy định, bảng kê khai này là căn cứ để xác định nguồn gốc vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa xuất nhập doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định về quản lý liên quan.