Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đột phá là phải tái cơ cấu nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Là người đăng đàn đầu tiên, mở đầu phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận, nhu cầu giống cho sản xuất nông, lâm ngư nghiệp hiện nay chưa được đáp ứng, còn phụ thuộc vào nhập ngoại, trong lúc giá các loại giống và vật tư tăng cao, biến động thường xuyên, hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường.

Cây gì, con gì cũng phải nhập

Mở đầu buổi chất vấn, ĐB Nguyễn Ngọc Hoa (đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn: "Nền nông nghiệp nước ta có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài khi có tới 70% thức ăn chăn nuôi phụ thuộc doanh nghiệp FDI. Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu giống, thức ăn chăn nuôi?".

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát dù khẳng định thông tin nói là giống lúa có tới 60 - 70% phụ thuộc nước ngoài không chính xác. 7,7 triệu ha lúa/năm (diện tích gieo trồng) trong đó có 700.000ha lúa lai. 7 triệu ha trồng lúa thuần hầu như chúng ta tự sản xuất giống, nhưng ông cũng thừa nhận, mặc dù các nhà khoa học của Việt Nam chọn tạo ra các giống cho phù hợp điều kiện sản xuất ở ĐBSCL, còn miền Bắc trồng lúa lai, 70% giống này là của Trung Quốc. "Chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện để các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai của Việt Nam. Nhưng thời gian qua, những giống lúa lai chúng ta làm ra chưa được tốt bằng nước bạn nên phải tiếp tục nhập khẩu" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đột phá là phải tái cơ cấu nông nghiệp - Ảnh 1
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn. Ảnh: VGP
 

Về phân bón, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Nước ta không có nguồn Kali nên nhập hầu hết là phân Kali. Hiện tại, chúng ta sản xuất được một nửa nhu cầu phân phốt pho và tự chủ được 2/3 nhu cầu phân đạm. Thuốc bảo vệ thực vật chủ yếu nhập nguyên liệu rồi về đóng gói, sang chai. Về vaccine, cũng có loại chúng ta tự sản xuất được, nhưng có những loại chưa sản xuất được.

Mới có 722/1.487 kiến nghị của cử tri được giải quyết

Chiều 12/6, ngay sau phần khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đã báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, Quốc hội đã chỉ đạo tiếp nhận, phân loại và gửi 1.487 kiến nghị của cử tri cả nước đến cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Trong đó, chỉ có 722 kiến nghị được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn; về giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương;… Còn lại, gần 200 kiến nghị đang nghiên cứu và 134 kiến nghị sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, có 234 kiến nghị được các cơ quan giải trình, thông tin lại với cử tri…

UBTVQH cũng yêu cầu các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, giải quyết các kiến nghị cử tri đã trả lời là "đang, sẽ giải quyết".

Vũ Minh

Đối với thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: "Nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi là phụ phẩm từ lúa gạo, ngô, đỗ tương, khoai lang, sắn… Chúng ta nhập khẩu chủ yếu là ngô, đỗ tương và một phần lúa mì. Theo Bộ trưởng, hiện nay, ngành nông nghiệp đang cố gắng thúc đẩy phát triển sản xuất ngô và đỗ tương.

Buông lỏng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

Bị phụ thuộc giống ngoại, nhưng theo các ĐB, thời gian qua công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng phân bón giả và giống cây trồng kém chất lượng vẫn còn nhiều bất cập đã gây thiệt hại cho người nông dân, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt khó tiêu thụ. "Bộ NN&PTNT xử lý giải quyết cụ thể thế nào, cần làm rõ trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp giống lúa, vật tư phân bón để người nông dân yên tâm sản xuất" - ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) chất vấn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đây là vấn đề bức xúc thời gian qua, Bộ NN &PTNT đã phối hợp với các bộ xây dựng hành lang pháp lý, cùng các địa phương kiểm tra về mặt sản phẩm cũng như đấu tranh chống vật tư giả trên thị trường.

Tham gia trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng... trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, các hình thức vi phạm vẫn tiếp diễn, nguyên nhân do các chế tài xử phạt còn nhẹ; việc xử lý các trường hợp tăng giá quá mức hay tăng giá bất hợp lý gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp của cơ quan quản lý giá và hậu kiểm.

Liên quan đến vấn đề này, trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, có thể có hai tình huống xảy ra. Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp khi sản xuất hàng hóa đăng ký chất lượng với cơ quan Nhà nước nhưng mẫu họ đăng ký chất lượng và sản phẩm thực tế khi họ sản xuất không giống nhau. Thứ hai, có tình trạng DN lưu thông sản phẩm hàng hóa của mình có thể do quản lý thị trường phát hiện những sản phẩm không đạt yêu cầu, nếu sản phẩm đó lấy mẫu đem kiểm nghiệm tại các trung tâm kỹ thuật, thì mẫu ấy với sản phẩm gốc sản xuất cũng không giống nhau.

Bộ trưởng còn hiền quá...

Đánh giá công lao của ngành nông nghiệp đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng ngành nông nghiệp đang đứng trước khó khăn, người nông dân lỗ kép, vẫn dai dẳng điệp khúc "được mùa mất giá". ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Ngành nông nghiệp có giải pháp gì để giúp nông dân ổn định, thoát nghèo bền vững?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, giải pháp quan trọng có tích chất đột phá là tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Như vậy mới giải quyết căn cơ. Về khả năng tung một gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân để vượt qua khó khăn, Bộ trưởng không nói rõ quan điểm của mình về việc nên hay không mà trả lời chung rằng, khó khăn lớn nhất người nông dân đang phải đối mặt là thị trường.

Trao đổi lại về vấn đề này, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với các giải pháp giải quyết khó khăn cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn hiền quá. Đối với ngành nông nghiệp, nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành còn quá nhẹ. "Tôi mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn để nông nghiệp có thể được hỗ trợ bằng các giải pháp hết sức cụ thể" - ĐB Ngân yêu cầu.

Trong phần tiếp theo, các ĐB muốn Bộ trưởng giải thích vì sao sản lượng nông nghiệp ứ đọng, được mùa mất giá, nông dân cố gắng vẫn không thoát nghèo... Phần giải đáp của Bộ trưởng sẽ được tiếp tục trong sáng mai 13/6.

 Bộ trưởng cần có giải pháp quyết liệt

Chiều 12/6, bên hành lang Quốc hội, nhận xét về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều ĐBQH cho rằng: Mong muốn Bộ trưởng có giải pháp quyết liệt hơn các vấn đề của ngành.

ĐB Triệu Là Pham (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang): Bộ trưởng trả lời thiếu trọng tâm

Tôi thấy Bộ trưởng đưa ra một giải pháp cơ cấu nông nghiệp rất hợp lý và mong muốn Bộ trưởng sẽ tiếp tục chỉ đạo để triển khai đúng những giải pháp mà mình đã đưa ra trước Quốc hội. Tuy nhiên, cách trả lời của Bộ trưởng còn vòng vo, ĐBQH hỏi có mấy phút mà Bộ trưởng trả lời tràng giang gần cả tiếng đồng hồ, không vào vấn đề gì trọng tâm cả. Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền cho tất cả các vùng miền là không hợp lý. Có những nơi, người nông dân không thể biết được loại phân bón nào là đúng chất lượng, loại giống nào là tốt, nên Bộ trưởng cần có phương án hỗ trợ trực tiếp giống, phân bón cho bà con.

ĐB Trương Minh Hoàng (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau): Cách giải quyết chưa nhiều

Theo tôi, Bộ trưởng đã trả lời và đưa ra khá nhiều các giải pháp cho nông nghiệp, nhưng lại chưa đi đến trọng tâm. Như giải pháp để làm thế nào cho người nông dân chuyên về sản xuất lúa, đảm bảo cho nông dân lãi 30%..., cách giải quyết chưa nhiều. Tôi cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề này, không chỉ riêng ngành nông nghiệp làm được, mà cần có sự phối hợp của các bộ, - ngành và sự điều hành của Chính phủ, các giải pháp phải được triển khai một cách trọng tâm.

                                                                   Hà Bình ghi