Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không nằm trong danh sách đăng đàn trong kỳ họp Quốc hội lần này. Ông tham gia phiên chất vấn chiều 24/11 với tư cách bổ sung thêm các phần mà đại biểu Quốc hội đặt ra cho người đứng đầu ngành tài chính Vương Đình Huệ liên quan đến chuyện lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu và điện. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hoàng cũng được yêu cầu làm rõ thêm các vấn đề mà đại bộ phận cử tri đang quan tâm là: Vì sao bao nhiêu năm Tập đoàn Điện lực VN (EVN) kêu lỗ nhưng mức lương trung bình của ngành vẫn ở ngưỡng ngất ngưởng với 7,3 triệu đồng một tháng vào năm 2009. Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn: "Căn cứ nào để nói lương của EVN cao hay thấp?". Theo ông khi đánh giá thu nhập của một người lao động cần phải dựa vào 3 tiêu chí: mức bình quân lao động cả nước; mức thu nhập của cùng loại hình sản xuất kinh doanh; và mức thu nhập của cùng loại hình doanh nghiệp... "Khi có tiêu chí rõ ràng, chúng ta hãy nhận xét là cao hay thấp còn nếu nhận xét chung chung rồi kết luận cao hay thấp là không thỏa đáng", ông Hoàng nói. Thời gian gần đây, dư luận bày tỏ sự bức xúc chuyện thu nhập trung bình của ngành điện 7,3 triệu đồng. Người cho rằng đây là mức quá cao, còn lãnh đạo EVN cảm thấy xót xa khi thu nhập của cán bộ ngành mình quá thấp. Bộ trưởng Hoàng cho rằng EVN là tập đoàn Nhà nước vì vậy, bảng lương của tập đoàn do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết định. "EVN không tự quyết định lương trả cho người lao động", ông Hoàng nhấn mạnh. Theo ông, điện lực là lĩnh vực đặc thù, nguy hiểm và khá độc hại. Lương trả cho lĩnh vực này có tới 25% được trả cho phụ cấp an toàn, độc hại. Như vậy, mức trung bình 7,3 triệu đồng này có tới 1,9 triệu đồng phụ cấp, còn lại 5,4 triệu đồng là thu nhập ròng. "EVN cần phân tích cụ thể, chi tiết mới mong nhận được sự đồng tình của dư luận", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh. Liên quan đến các khoản lỗ lãi của Petrolimex và câu hỏi tại sao tập đoàn này liên tục kêu lỗ khi cổ phần hóa lại báo lãi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng ở đây có sự chưa rõ ràng nên cần phải nói thêm. Petrolimex được phép kinh doanh trong 5 lĩnh vực, trong đó có xăng dầu. Các hoạt động này được tính toán riêng, chứ không cộng dồn. Nếu tính riêng mặt hàng xăng dầu thì Petrolimex lỗ còn nếu tính gộp vào thì doanh nghiệp này lãi.