Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý hành vi xâm hại trẻ em

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/6), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội vấn đề về thị trường lao động, việc làm, bạo hành trẻ em...

 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.
Bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, từ 10h35 phút và chiều nay  5/6, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội nhóm vấn đề thứ 3 liên quan đến Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Có 68 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Năm 2018, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực

Là ĐB đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTH&XH Đào Ngọc Dung, ĐB Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) đặt vấn đề: Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay còn thấp, Bộ trưởng có giải pháp gì cần ưu tiền trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng này? Bộ trưởng chọn năm 2018 là năm đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, ông kỳ vọng kết quả đạt được như thế nào?

 ĐB Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh).

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐTH&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, chúng ta đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đây là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Chất lượng thấp thể hiện qua việc chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi lực lượng lao động tại nông thôn đến cuối tháng 4/2018 chiếm tới 38,6% lực lượng lao động nhưng chỉ đóng góp 15,34% vào GDP.

Cùng với đó, cơ cấu đào tạo bất hợp lý, đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chất lượng nguồn nhận lực chưa đáp ứng kỹ năng, các điều kiện đảm bảo lao động như môi trường làm việc, thu nhập, an toàn và mạng lưới an sinh. “Vì vậy thời gian tới, ưu tiên giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng: Đột phá về giáo dục nghề nghiệp là chủ trường cực kỳ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực thời gian qua. Có 3 chuyện phải quan tâm, quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, 2 là chuyển mạnh sang tự chủ là động lực để phát triển và 3 là chuyển hẳn sang hướng kết nối DN với nhà trường. Đây là chủ trương nhiều quốc gia thành công, đặc biệt những nước có giáo dục nghề nghiệp phát triển cao như Đức, Singapore, Nhật Bản…

“Năm 2018 là năm đột phá và đã chọn 10 trường làm thí điểm kết nối với 15 tập đoàn, đào tạo theo yêu cầu 150.000 nhân lực. Tuy mới là khởi đầu nhưng đây là sự mở đầu rất quan trọng để tạo hướng đi mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngành lao động sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp. Đồng thời, tập trung đào tạo cho các lao động đang có việc làm nhưng đứng trước nguy cơ sa thải, đơn cử lao động trong lĩnh vực giày da.

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, tổ chức lại 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với địa phương sắp xếp giảm 325 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trên nguyên tắc tích hợp, sáp nhập.

Tư lệnh ngành LĐTB&XH khẳng định: "Những trường nào không tuyển sinh được trong ba năm qua có thể xem xét đóng cửa".

3 tỷ USD mỗi năm từ lao động Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu thực trạng: Số lượng người đi lao động nước ngoài tăng, góp phần tăng thu nhập. Nhưng phần lớn lao động của chúng ta xuất khẩu là lao động tay nghề thấp. Hiện nay có tình trạng công ty xuất khẩu lao động thiếu trung thực, đem con bỏ chợ, khiến người lao động lâm vào cảm mắc nợ, nếu về nước thì nợ càng nhiều hơn. Ở nhiều thị trường lao động tốt thì lại có tình trạng trốn việc, ra làm công ty khác… ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào? Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo lao động xuất khẩu?”, ĐB đoàn Đà Nẵng đặt câu hỏi.

 ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng).

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Xuất khẩu lao động là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, được cụ thể bằng luật pháp. Chúng ta đã từng đặt ra mục tiêu sẽ có 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động học tập tại nước ngoài.

“Đến nay, chúng ta có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017, chúng ta xuất khẩu lao động được 134.000 người. Thị trường tiềm năng trước đây khó khăn như Hàn Quốc đã nối lại được”, Bộ trưởng thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện, bình quân thu nhập mỗi năm thu về từ các lao động ở nước ngoài là xấp xỉ 3 tỷ USD. Tỉnh Nghệ An mỗi năm số tiền từ lao động nước ngoài gửi về là 250 triệu USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Đúng như ĐB nói một số thị trường tiềm năng tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc. Vì lý do này, Hàn Quốc đã cấm lao động Việt Nam trong 4 năm. Những người trốn thường là lao động tay nghề cao, lương cao và trốn được thuế”.

Bộ trưởng khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động, giảm tình trạng lao động trốn việc ở nước ngoài”.

Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý hành vi xâm hại trẻ em

Phát biểu tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Tạo lo lắng trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Ông đặt câu hỏi: "Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?"

Trả lời chất vấn, dẫn số liệu thống kê về tình hình bạo lực trên thế giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu trẻ em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất.

 ĐB Nguyễn Tạo.

Ở Việt Nam bình quân mỗi năm có 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không có thông tin.

Tư lệnh ngành LĐTH&XH khẳng định, Việt Nam có đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng trên, quy định trong Luật trẻ em và các Nghị định liên quan đã phân công rõ trách nhiệm từng ngành, địa phương.

"Chúng ta có nhiều giải pháp, như tuyên truyền vận động, đường dây nóng, xử nghiêm một số vụ nổi cộm, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Lao động đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc xử lý", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, gần đây xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: “Bộ sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hoá trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

 ĐB Lê Thị Nga.

Với câu trả lời này, một số ĐB thấy chưa thỏa đáng. ĐB Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp tranh luận: Trong số 2.000 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, ĐB Lê Thị Nga muốn biết giải pháp mạnh mẽ của ngành LĐTB&XH để "chặn đứng tình trạng này".

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Thị Nga hỏi: “Đại diện ngành công an, cơ quan tư pháp, có khó khăn gì trong chứng minh vấn đề xâm hại trẻ em hay không?".

Chất lượng lao động đã qua đào tạo thế nào?

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐB Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đặt câu hỏi: Trong báo cáo của Bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo 2017 là 56,1%, nhưng có ý kiến thực tế thấp hơn, điều này có đúng hay không và chất lượng lao động đã qua đào tạo thế nào?

Tiếp tục “truy” Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, ĐB Đôn Tuấn Phong nêu: “Tình trạng lao động giáp biên tự do sang nước ngoài làm việc tự do khá phổ biến. Xin Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp vừa quản lý và bảo vệ người lao động?”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Tỷ lệ đào tạo cho rằng con số này khả thi và không có gì là hình thực, 56% thực chất chỉ có 22% số đào tạo có chứng chỉ. Nếu con số bình quân so với các nước xung quanh chưa phải là cao. Đây là tính cả số truyền nghệ, công nhân kỹ thuật thời gian dài, thậm chí là bàn tay vàng nhưng không được cấp chứng chỉ.

Cũng theo Tư lệnh ngành LĐTB&XH: Lao động qua biên giới thời gian qua Thủ tướng rất quan tâm, hiện nay có khoảng 139.000 lao động thường xuyên qua lại biên giới và các tỉnh giáp danh chủ yếu là Trung Quốc 100.000 người, Thái Lan 20.000 người và Lào là 13.000 người… Điều này phụ thuộc chủ yếu và tập tục địa phương, văn hóa, mối quan hệ thuận lợi, thu nhập cao. Số lao động này khi sang làm việc đều đảm bảo về mặt pháp lý có hộ chiếu, visa nhưng lại không có giấy phép hành nghề.

Bộ trưởng cho biết: Hiện nay chúng ta thiếu ở khuôn khổ pháp lý trong luật chưa quy định. Bộ đã cố gắng đàm phán với các nước để có hiệp định nhưng có nước đàm phán được, có nước chưa chấp nhận. Riêng 7 tỉnh phía bắc Bộ đã ký biên bản ghi nhớ với các tỉnh Trung Quốc để đảm bảo 2 bên thống nhất quản lý tránh rủi ro, dự kiến tháng 7 xong biên bản. Còn Thái Lan đã đàm phán 3 lần nhưng chưa xong.

“Tuy nhiên mới đây, Thủ tướng 2 bên đã trao đổi để đi đến thống nhất, Thái Lan sẽ áp dụng cơ chế với Việt Nam như 3 nước biên giới. Dự kiến số lao động tại đây cũng sẽ tăng lên 50.000 người từ 20.000 người hiện nay”, Bộ trưởng nói.