Bộ trưởng Đinh La Thăng: Động lực lớn và mới cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/1, với nội dung “Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ngoài điểm lại thành tựu của ngành GTVT trong năm năm qua, đã đưa ra những giải pháp và định hướng phát triển hệ thống GTVT trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng nhận định: Trong những năm tới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tiếp tục đặt cho ngành GTVT những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, hết sức nặng nề, đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực phấn đấu, cùng các ngành, các cấp và toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách để tạo ra chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT).

Trên cơ sở đó, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá sau đây để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông: Một là, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển KCHTGT.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển KCHTGT, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào huy động các nguồn lực phát triển KCHTGT.

Ba là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, tiến độ thi công các dự án; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đưa ra các mục tiêu cơ bản về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 như: Về đường bộ, đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường bộ cao tốc, bao gồm:  Cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam: hoàn thành các tuyến cao tốc đang thi công Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan; khởi công mới các đoạn tuyến Ninh Bình - Quảng Bình, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Nha Trang - Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; Hoàn thành tuyến cao tốc Thái Nguyên – Bắc Kạn, Bắc Giang – Lạng Sơn, Hòa Lạc – Hòa Bình. Tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, cửa khẩu, như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bắc Giang - Đồng Đăng, Hạ Long - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Dầu Giây - Liên Khương...; Nâng cao khả năng khai thác các tuyến cao tốc hiện có thông qua việc đầu tư các tuyến kết nối với đường cao tốc, như: kết nối Hà Giang, Tuyên Quang - Sơn La - Điện Biên, Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kết nối Cao Bằng với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Hoàn thành các hầm Đèo Cả, Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2; Tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ; Hoàn thành hơn 600 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến; Hoàn thành các cầu lớn: Đại Ngãi, Vàm Cống, Cao Lãnh, Văn Lang, Bạch Đằng, Bình Ca...; Đầu tư đường hành lang ven biển và đường tuần tra biên giới.

Về đường sắt, tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200 km/h, như đoạn Hà Nội - Vinh, thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Về hàng không, tập trung nâng cấp đồng bộ các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, hiệu quả các cảng hàng không, đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội. Đầu tư cảng hàng không Vân Đồn, Lào Cai, Lai Châu và Nà Sản bằng hình thức xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mở thêm các đường bay mới cả trong và ngoài nước.

Về giao thông đô thị, tiếp tục phát triển hợp lý hệ thống KCHTGT đô thị và vận tải công cộng; Đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị vào khai thác ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về giao thông nông thôn, duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới GTNT hiện có (Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100% đối với tuyến đường huyện, 70% đối với tuyến đường xã và 50% đối với tuyến đường thôn, xóm); hoàn thành toàn bộ 4.200 cầu dân sinh....

“Với nhận thức rằng, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, tôi trông đợi ở những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Bộ GTVT luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi Ngành phải nỗ lực không ngừng, phấn đấu liên tục, hy sinh không mệt mỏi mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây”, Bộ trưởng nói.