Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt, cuộc đua điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế của nhiều nền kinh tế… đã và đang tác động dòng vốn FDI.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng, tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, đổi mới khu vực sự nghiệp công còn chậm. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy kết hợp với tinh giản biên chế mới ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm…Tình hình trên tác động lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ về tài chính ngân sách, về thu, chi NSNN.
Thu từ SXDK còn thấp
Báo cáo trước Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Thu NSNN 6 tháng đạt 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017 đạt 46,8% dự toán, tăng 14,7%. Trong đó các khoản thu nội địa trừ đất, cổ phần hoá, cổ tức, lợi nhuận để lại, xổ số kiến thiết… đạt 46,6% dự toán, tăng 13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và CPI.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thu từ 3 khu vực kinh tế mặc dù tăng so với cùng kỳ, nhưng đạt thấp so với dự toán. Trong đó, thuế TNDN từ các NHTMCP Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank mới đạt 39% dự toán. Thuế TNDN từ các DN ngành viễn thông đạt 34,3% dự toán. Thu từ DN sản xuất thuốc lá đạt 44,9%, DN sản xuất bia đạt 44%. DN khai thác than đạt 39,7%. Các DN sản xuất lắp ráp ô tô thuộc khu vực FDI, nộp thuế TTĐB đạt 36,8%. “Về tổng thể, các khoản thu 6 tháng đầu năm là tích cực. Tuy nhiên, các khoản thu từ SXKD còn thấp”- người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ.
Theo phân cấp, thu NS trung ương 6 tháng đạt 46,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2017. Thu NSĐP đạt 54% dự toán, đến nay có 43/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán. Có 38 địa phương đạt trên 53% dự toán. Tuy nhiên, còn một số ĐP thu thấp hơn dự toán. 6 tháng cuối năm, mong các lãnh đạo địa phương tiếp tục vào cuộc chỉ đạo sát sao, thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu phù hợp thực tế địa phương, rà soát nắm chắc, đối tượng, nguồn thu trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh vào NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu theo dự toán.
Cân đối lại nguồn lực, chủ động bù đắp số giảm thu
Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm, chi NSNN được quản lý chặt chẽ, đảm bảo cân đối với dự toán được giao. Về chi, 6 tháng đầu năm, chi NSNN được quản lý chặt chẽ theo ngân sách dược giao, đảm cân đối với ngân sách các cấp. Nguồn dự phòng NS trung ương năm 2018 đã sử dụng khoảng 4,6k tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, khắc phục sạt lở, xâm nhập mặn, gia cố đê điều, hồ đập. Xuất cấp 61,4 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân, học sinh vùng khó khăn. Thực hiện giải ngân vốn cao hơn cùng kỳ 5% so với yêu cầu. 6 tháng đạt 32,5% dự toán, trong đó có 35 bộ ngành và 6 địa phương có tiến độ giải ngân thấp hơn 25%.
Trên tình hình đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, trung ương địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch năm 2018. Rà soát đánh giá khả năng giải ngân của các dự án để chủ động điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn. Chi thường xuyên đúng chế độ chính sách trong phạm vi dự toán được giao.
Từ 1/7/2018 thực hiện điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,3 triệu lên 1,39 triệu/người/tháng . Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cơ bản phải sắp xếp trong phạm vi dự toán và sử dụng các nguồn cải cách tiền lương theo quy định để thực hiện.
“Năm 2018 là năm thứ hai thực hiện các quy định của NSNN, việc chuyển nguồn chi thường xuyên chỉ cho phép đối với một số khoản chi nhất định như chi chế độ chính sách cho con người, trường học, công nghệ… Còn cơ bản đến hết niên độ NS mà không chi hết thì sẽ phải huỷ bỏ dự toán, kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu”- Bộ trưởng cho biết.
“Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt chỉ đạo để triển khai giải ngân đúng dự toán, đúng chế độ quy định của năm đầu tiên triển khai Luật NSNN”- ông Dũng nhấn mạnh và cho biết, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để báo cáo UBTV Quốc hội cho xử lý các khoản tăng thu, tiết kiệm chi để bố trí lại một số khoản chi quan trọng cho một số bộ, cơ quan địa phương. Địa phương cần phấn đầu thu đạt và vượt dự toán để có thêm nguồn chi tiêu, trường hợp nguồn thu dự kiến giảm so với dự toán thì phải chủ động giữ lại 50% dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương. Sau khi sử dụng các nguồn dự phòng, dự trữ mà vẫn không đủ bù đắp số giảm thu thì phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, dãn các nhiệm vụ chi, trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của địa phương, trong trường hợp nguồn thu sử dụng đất tăng lớn.