Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là trưởng ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề, qua nội dung báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ Kinh tế xã hội cho thấy, nợ công đã và đang là mối quan tâm của cử tri cả nước. Tình hình nợ công hiện nay sát trần hơn 60% GDP, rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới, điều này ảnh hưởng như thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công thời gian tới?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, triển khai nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bộ Tài chính tổng kết đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền trình bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về tái ngân sách Nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, theo đó có giới hạn cho các chỉ tiêu an toàn nợ công như trần nợ công không quá 65%; nợ Chính phủ không quá 54% và nợ đối ngoại quốc gia không quá 50%. Trong thời gian qua, chúng ta triển khai nhiều biện pháp quản lý nợ công như tiếp tục hoàn thiện thể chế, phối hợp với các bộ ngành quản lý ODA, quản lý sử dụng nợ công...Thời gian tới, nguồn vay công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa, từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công; xác định rõ mức bội chi ngân sách Nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi; tiếp tục siết chặt bảo lãnh Chính phủ...
Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt các chỉ tiêu về bội chi liên quan đến nợ công; tăng cường thanh tra, kiểm tra minh bạch tài chính công, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, thanh tra, kiểm soát, kiểm toán...