Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực tài chính.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hải Dương) quan tâm đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn.
Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh giảm thuế nhưng cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách, bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác giá không chỉ phụ thuộc thuế mà còn quan hệ cung cầu; đồng thời cần đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế phí, đâu thuộc trách nhiệm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Ông đặt câu hỏi biểu thuế xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm của ai, nên cần phải chủ động rà soát.
ĐB Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thái Bình) tranh luận chưa đồng ý việc Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về giá xăng dầu. Theo ĐB, nếu can thiệp nhiều vào giá xăng dầu quá nhiều sẽ không đúng giá thị trường. ĐB cho rằng nên để giá xăng dầu tăng giảm tự nhiên theo giá thế giới, can thiệp đúng mức, chứ không cố gắng để giảm giá xuống thấp nhất.
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Thân, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá nên lúc nào đó nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh, giải quyết lao động, từ đó, tích lũy cho nền kinh tế và khi đó sẽ được thu thuế thông qua tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế...
Theo Bộ trưởng, đây là một giải pháp, tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.
Chủ tịch Quốc hội sau đó nhận định về vấn đề giá cơ sở xăng dầu, không chỉ có vấn đề thuế, phí mà còn chi phí định mức, lợi nhuận định mức…