Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm Quốc hội "mệt" vì "đi du lịch"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hoàng Tuấn Anh nhận được nhiều tiếng “ồ lên” của các đại biểu Quốc hội trong chiều nay (17/11).

Trước đó, sáng 17/11, đại biểu Phạm Thị Hải (tỉnh Đồng Nai) đặt vấn đề, ngành du lịch thời gian qua cũng có nhiều bước phát triển nhưng cũng gặp tình trạng chặt chém. Liệu ngành du lịch Việt Nam có giành được vị trí xứng đáng trong khu vực như du lịch Campuchia, Lào. Bộ trưởng lý giải thế nào?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm Quốc hội "mệt" vì "đi du lịch" - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, vào ngày 21/6/2015, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ VHTT&DL trước Quốc hội, Quốc hội đã có Nghị quyết số 52, trong đó nêu ra Bộ VHTT&DL phối hợp với các bộ ngành liên quan, Ủy ban MTTQ, chính quyền địa phương các cấp giải quyết những vấn đề về VHTT&DL. "Có thể nói, đây là Nghị quyết mang tầm chiến lược. VHTT&DL là vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, thời gian qua, ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng, có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội có nêu: "Du lịch của chúng ta từ năm 2010 đến nay đã tăng trưởng 1,6 lần. Và dù du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh thế giới, gần đây nhất là sự kiện khủng bố liên hoàn tại Pháp, kinh tế của chúng ta còn khó khăn, những thành tựu mà du lịch Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của Nhân dân và các ngành, ghi nhận tiến bộ. Năm nay, chúng ta sẽ đạt 8 triệu lượt khách và khả năng chúng ta đạt 300.20.000 tỷ đồng tương đương với khoảng 15 tỷ USD".

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, đại biểu Phạm Thị Hải có so sánh du lịch Việt Nam với Campuchia và Lào. Thực ra, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đã ký cam kết 5 quốc gia thành viên. "Chúng tôi cũng mong muốn du lịch Lào và Campuchia phát triển hơn. Việc so sánh phải căn cứ vào các chỉ số. Chúng tôi có báo cáo nghiên cứu đầy đủ và sẽ gửi tới đại biểu Hải về chuyện so sánh này. Còn bây giờ, thực lòng tôi mong muốn Campuchia phát triển du lịch mạnh hơn nữa, tất nhiên khi phát triển như thế chúng ta sẽ tìm được nhiều bài học kinh nghiệm. Bởi vì mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận để phát triển du lịch riêng", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Vấn đề hiện nay, du lịch Việt Nam đứng trước đặc điểm cơ bản cần phải bảo vệ, phát triển mạnh. Đó là danh lam thắng cảnh của Việt Nam phong phú, đa dạng. Việt Nam hiện có 21 di sản được UNESCO công nhận và là một trong ít quốc gia có nhiều di sản được UNESCO công nhận ở châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam còn giàu tiềm năng, giàu điều kiện; cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam có văn hóa đa dạng, thống nhất; ẩm thực của Việt Nam cũng phong phú dồi dào, với món phở, món nem nổi tiếng thế giới. Ngay chiếc nón lá tại hội chợ của Italy là sản phẩm xếp thứ tư về mức độ hấp dẫn. Đáng chú ý, người Việt Nam thân thiện, mến khách...

"Vấn đề đại biểu nêu ra là chặt chém du khách thì thực tế, chỉ có một số ít. Nhưng cũng gây ra bức xúc cho dư luận", người đứng đầu Bộ TTVH&DL giải trình. Và Bộ trưởng cũng nói thêm:
"Chặt chém chỉ được một vài lần, lần sau là họ không tới nữa. Tôi khuyên các doanh nghiệp đừng vì cái nhỏ lẻ như thế mà nên vì cái lớn hơn để ngành du lịch còn phát triển."

Trong định hướng đến năm 2020 du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần 5 tiêu chí: Thứ nhất, phải tham gia vào cơ cấu kinh tế (năm 2010 cơ cấu kinh tế là 32% năm 2015 là 44%). Thứ hai, du lịch thúc đẩy các ngành phát triển, giao thông phát triển, công nghiệp, thương mại, y tế, lao động thương binh-xã hội phát triển… Thứ ba, du lịch giải quyết vấn đề lao động (theo Tổng cục Thống kê, Du lịch Việt Nam giải quyết việc làm 3,8 triệu chiếm 6,34%). Thứ tư, du lịch góp phần bảo tồn, phát triển các di tích lịch sử, di tích quốc gia. Thứ năm, du lịch góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, khách du lịch quốc tế đến, người dân ứng xử một cách văn minh lịch sự cũng khẳng định ta là người Việt Nam.

Về những giải pháp cho phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng VHTT&DL cho biết, Bộ sẽ bổ sung sửa đổi Luật Du lịch để phù hợp với điều kiện hiện nay, sửa đổi những bất cập. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết 92 của Chính phủ. Chính phủ đã họp chuyên đề về du lịch trong đó nêu rõ: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội; tăng cường hỗ trợ cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh an toàn để thu hút khách du lịch; hỗ trợ khó khăn cho DN du lịch và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.

Và một trong những giải pháp mới đây là Chính phủ đồng ý miễn thị visa cho 5 nước Tây Âu: Đức, Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha từ ngày 1/6/2015 đến ngày 1/6/2016. Các nước trong khu vực đã miễn thị thực đơn phương rất nhiều như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… Ngoài ra, Nghị định 82 của Chính phủ miễn thị thực cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài và vợ chồng con của họ. Mới đây, tại Nghị quyết 79 của Chính phủ đồng ý miễn visa cho khách đi theo tour du lịch vào Việt Nam đối với công ty lữ hành quốc tế và Việt Nam. Đây là quyết định mở và lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Thứ tư, xây dựng quỹ phát triển du lịch.

Về tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch, Bộ
VHTT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế để hỗ trợ DN du lịch, trước hết giảm tiền thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích, công viên cảnh quan nhằm hỗ trợ cho DN du lịch.

Hiện nay, trong triển khai, thực hiện Chỉ thị 18 về môi trường du lịch và Chỉ thị 14 về tháo gỡ bức xúc hiện nay để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, ngành Du lịch là ngành tổng hợp, chất lượng du lịch dịch vụ phụ thuộc vào 7 yếu tố: Hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ý thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. "Do đó cần sự chung tay của các bộ, ngành liên quan. Còn về phần của Bộ 
VHTT&DL, chúng tôi đảm bảo sẽ thực hiện", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

“Với tư cách là người đứng đầu ngành VHTT&DL, những gì chúng tôi đã cố gắng rồi nhưng chưa đạt được mong muốn của Quốc hội thì tôi xin chịu trách nhiệm và trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt cho Bộ trưởng kế tiếp ”- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết.

Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Bộ trưởng cho Quốc hội đi du lịch rất là mệt!”.