Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: "Sẽ giảm tần suất tổ chức các lễ hội"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, quy mô và tần suất lễ hội hiện nay vẫn còn hơi cao, dầy. Vì vậy hướng sắp tới là giảm tần suất lễ hội.

Gần đây, dư luận đang nóng lên với hiện tượng phản cảm, bạo lực tại một số lễ hội. Việc làm thế nào để vừa giữ được nét lịch sử văn hóa truyền thống trong các lễ hội dân gian đã tồn tại hằng trăm năm nay, nhưng vẫn giữ được tính nhân văn, văn hóa phù hợp khi dân trí đã phát triển, đất nước đã hội nhập trở thành vấn đề lớn.

Trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh bày tỏ quan điểm và trả lời những vấn đề này.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: "Sẽ giảm tần suất tổ chức các lễ hội" - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh.
PV: Nước ta có gần 8.000 lễ hội một năm, tức là tính trung bình có đến 21 lễ hội diễn ra trong một ngày. Như vậy mỗi ngày có đến hàng chục ngàn người nghỉ công việc đi chơi lễ hội. Lễ hội được tổ chức quá nhiều vừa lãng phí tiền của, lãng phí giờ lao động của người người bỏ công việc để tham gia lễ hội. Bên cạnh đó, lễ hội được tổ chức quá nhiều dẫn đến tràn lan, thiếu kiểm soát. Bộ trưởng có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trong thời gian vừa qua, các lễ hội được diễn ra tương đối quy củ và thực hiện đúng quy định pháp luật, tuy nhiên công tác quản lý lễ hội vẫn còn xuất hiện bất cập, như nếp sống của người dân trong lễ hội, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và dịch vụ, không gian lễ hội nhiều nơi vẫn còn chật chội. Bên cạnh đó, quy mô và tần suất lễ hội vẫn còn hơi cao, dầy. Vì vậy hướng sắp tới là giảm tần suất lễ hội.

Dù chúng ta đã cố gắng trong công tác tổ chức lễ hội, tuy nhiên qua công tác kiểm tra chúng tôi thấy rằng, cấp ủy chính quyền địa phương một số nơi chưa thật sự chú trọng đến vị trí vai trò của công tác lễ hội trong lòng người dân, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát và kịp thời phát hiện những vi phạm trong lễ hội để kịp thời xử lý. Trước tình hình đó chúng tôi đã tham mưu cùng các cơ quan khác cho Ban Bí thư ra Chỉ thị và Thủ tướng Chính phủ ra công điện để chấn chỉnh quản lý tổ chức lễ hội cho tốt hơn.

PV: Vừa qua, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý lễ hội. Vậy đến thời điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện các văn bản này như thế nào? Liệu có tình trạng đánh trống bỏ dùi hay không? Và liệu các lễ hội năm sau có giữ được tính văn hóa, bình an, tốt đẹp hơn không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Chúng tôi có thể khẳng định, cấp ủy Đảng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các cấp không có “đánh trống bỏ dùi” mà thực hiện đúng như tinh thần Chỉ thị 41 của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Trong mùa lễ hội năm nay chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy rằng công tác tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các cấp chính quyền đã quán triệt Chỉ thị 41 và đề ra kế hoạch cụ thể tổ chức lễ hội, tăng cường giám sát và khắc phục những nhược điểm tồn tại.

PV: Thời gian gần đây, một số lễ hội còn xuất hiện các hình ảnh bạo lực, phản cảm như: xhém lợn, đâm trâu, treo cổ trâu, cướp lộc, đánh nhau… Đặc biệt những cảnh đánh nhau làm méo mó đi tính văn hóa tốt đẹp tại các lễ hội. Vậy các ban quản lý lễ hội ở đâu, cơ quan chức năng làm gì lại để xảy ra tình trạng như vậy? Là người đứng đầu ngành Văn hóa, Bộ trưởng có suy nghĩ và giải pháp như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trước tình hình này, chúng tôi thấy rằng cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp. Những lễ hội có hành động phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao tính nhân văn, thì chúng ta nên loại bỏ. Hiện tượng vừa rồi người dân có nêu theo chúng tôi không nên tiếp diễn, và xem xét các lễ hội ấy có phần nào loại bỏ và phần nào cần xử lý trong lễ hội.

Để xử lý vấn đề này, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ, các cấp chính quyền hết sức quan tâm đến việc kiểm kê, đánh giá, phân loại, đề xuất. Và trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo mời các nhà khoa học, nhà văn hóa, cơ quan quản lý, và các cơ quan truyền thông báo chí để cùng nhau thống nhất quan điểm phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

PV: Hiện nay, hiện tượng trục lợi từ các lễ hội diễn ra khá phổ biến. Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng từ tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được, mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau. Đây chính là nguyên nhân đẻ ra những biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương. Thực trạng này diễn ra đã nhiều năm rồi, gây không ít bức xúc trong dư luận. Vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những giải pháp như thế nào để hạn chế tình trạng này?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Thực tế trong những năm qua việc đặt hòm công đức là thái độ thiện chí của người dân, họ muốn gửi gắm việc trùng tu tôn tạo các di tích. Chúng tôi đã phối hợp với các Bộ liên quan để có Thông tư hướng dẫn để quản lý các hòm công đức sao cho văn minh, lịch sự. Thực tế nhiều nơi, tiền công đức của người dân được quản lý hết sức chặt chẽ, công khai, số tiền này phục vụ trở lại việc trung tu tôn tạo di tích. Tất nhiên ở đâu đó vẫn còn vấn đề này, vấn đề kia thì cần phải chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy chúng tôi đề nghị các địa phương nhập cuộc mạnh mẽ để yêu cầu các thủ đền thủ nhang cần phải kiểm tra, công bố công khai cho người tham gia lễ hội biết.

PV: Những bất cập yếu kém trong việc tổ chức lễ hội không phải bây giờ mới có. Bộ trưởng cũng đã có lần báo cáo trước Quốc hội về việc này. Vậy sao mùa lễ hội năm nay vẫn xảy ra tình trạng bạo lực, phản cảm như vậy? Liệu năm nay Bộ trưởng có giải pháp nào mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn để khắc phục tình trạng này không?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Đấy là nói về mặt định tính thôi, còn định lượng làm sao để qua mùa lễ hội này biết đâu là tốt là xấu, thì sau một thời gian tìm hiểu thực tế chúng tôi đưa ra Quyết định 486, ban hành tiêu chí về mùa lễ hội năm nay và những mùa lễ hội năm sau.

Bộ tiêu chí này có 19 điểm gồm 6 nội dung chính là: Công tác và kế hoạch tổ chức lễ hội phải rõ ràng từ đầu; phải quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo môi trường, an ninh trật tự; các hoạt động dịch vụ phải diễn ra có trật tự, có quy hoạch công bố niêm yết giá, và cuối cùng thường xuyên kiểm tra xử phạt vi phạm khi làm ảnh hưởng đến công tác lễ hội.

Tôi nghĩ rằng, mùa lễ hội mới đi được nửa chặng đường, nửa chặng đường còn lại, tôi đề nghị các địa phương, đặc biệt các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải kiểm tra thực hiện theo yêu cầu của Quyết định đặt ra, cuối mùa lễ hội năm nay tổng kết đánh giá tự nhận xét trước khi gửi về Bộ. Chúng tôi cũng thành lập Hội đồng thẩm định để công bố địa phương nào làm tốt, xuất sắc, trung bình và tất nhiên có mời các cơ quan thông tin đại chúng và thu thập ý kiến người dân qua đó rút ra những kinh nghiệm hay, nét đẹp tại các địa phương, chấn chỉnh kịp thời những địa phương nào tổ chức lễ hội chưa tốt.

Tất nhiên Quyết định đó sau một thời gian thực hiện sẽ có bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai, vì mỗi mùa lễ hội lại xuất hiện vấn đề mới, những điều nào người dân đồng tình thì chúng ta giữ lại, điều nào phản cảm không phù hợp thì chúng ta sẽ loại bỏ.

PV: Cảm ơn Bộ trưởng!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần