Làm rõ các giải pháp để phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tình trạng sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan làm rõ những giải pháp căn cơ để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao; những giải pháp để nâng cao hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp?
Đặt vấn đề chất vấn tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) nhấn mạnh, chủ trương gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ nông sản là rất đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều năm qua các giải pháp triển khai chủ trương này còn nhiều bất cập. Rất nhiều nông dân lúng túng trong việc thay đổi cây trồng, vật nuôi, không yên tâm sản xuất lâu dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ các giải pháp chính trong thời gian tới để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững và các giải pháp hỗ trợ nông dân?
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp nào để phát triển các vùng nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm nhằm giảm nhu cầu nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, góp phần kiểm soát giá thức ăn gia súc, gia cầm cũng như kiểm soát giá thịt gia súc, gia cầm, giá trứng gà, trứng vịt và sữa bò trong thời gian tới?
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ đã có những giải pháp nào để phát triển nền nông nghiệp xanh trong thời gian tới?
Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận), hiện nay các quốc gia trên thế giới đang đối diện với khủng hoảng an ninh lương thực. Trong bối cảnh đó, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng giải trình cụ thể những giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phát huy được vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ chủ trương của Bộ NN&PTNT trong phát triển nông nghiệp nhiệt đới?
Thị trường sẽ quyết định phương thức sản xuất nào phù hợp
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan sự phát triển của hợp tác xã còn manh mún nhỏ lẻ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT sửa đổi Luật Hợp tác xã theo hướng để hợp tác xã dễ tiếp cận những điều kiện thuận lợi hơn về đất đai và vốn phát triển. Tuy nhiên, cần nâng cao năng lực quản trị, năng lực thị trường của các hợp tác xã. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các địa phương để hợp tác xã phát huy được vai trò của mình.
Về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh này, giữa mô hình tập trung và mô hìnhh tích tụ thì mô hình tập trung là phù hợp hơn khi người dân không còn nhiều đất, chưa chuyển đổi được nghề nghiệp, tâm thế trong việc phát triển nông nghiệp cao ở nông thôn.
Theo Bộ trưởng, nông nghiệp cao là phương thức sản xuất, thị trường sẽ quyết định phương thức sản xuất nào phù hợp. Vai trò phát triển thị trường là trách nhiệm phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo điều kiện, tạo thị trường cho các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Về sản xuất, tiêu thụ, chuỗi liên kết, Bộ trưởng cho rằng phải bắt đầu từ xây dựng vùng nguyên liệu, qua đó chuẩn hóa đầu vào, đáp ứng và đảm bảo chuẩn mựcc đầu ra. Bộ trưởng nêu rõ không thể xây dựng chuỗi ngành hàng cho từng hộ, mà cho từng vùng nguyên liệu, vùng sinh thái, ngoài vai trò nhà nước, cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng ngành hàng, đặc biệt trong nâng cao chất lượng của các hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu.
Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp nước ta vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới.
“Do đó, tới đây, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề về phát triển giống cây ăn quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng ở nước ta phù hợp cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả. Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.
“Tuy nhiên phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây công nghiệp dài ngày, phổ biến nhất là trồng xen trong vườn cây cà phê nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các Viện nghiên cứu để nghiên cứu các giống cây ăn quả phong phú, hiệu suất cao” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.