Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bàn về việc mở mã ngành sức khỏe tại trường đào tạo đa ngành và thi tốt nghiệp THPT

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Xu hướng mở ngành đào tạo sức khỏe ở trường đào tạo đa ngành; có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không tiếp tục là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn diễn ra ngày 11/11.

Chương trình đào tạo của nhóm ngành Sức khỏe có tiêu chuẩn nghiêm ngặt
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) nêu câu hỏi: Hiện nay nhiều trường đào tạo đa ngành đã và đang có xu hướng mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe. Điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệnh so với các trường đào tạo chuyên ngành là rất lớn, có mã ngành chênh lệch trên 10 điểm; trong khi điều kiện để mở mã ngành đạo khối ngành sức khỏe có quy định rất chặt chẽ. Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn ngày 11/11
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Nhiều trường đa ngành có xu hướng mở mã ngành về sức khỏe. Việc mở mã ngành được tiến hành theo quy định, quy chuẩn. Trong tự chủ đại học, việc mở mã ngành là quyền của các đơn vị nhưng riêng có hai nhóm ngành Sức khỏe và Sư phạm thì Bộ vẫn thẩm định, quyết định và yêu cầu về mở chương trình đào tạo của nhóm ngành Sức khỏe đã có tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt và Bộ đang tuân thủ. Bộ sẽ có rà soát xem việc thực hiện quy định này; nếu có điều gì chưa chặt chẽ thì sẽ bổ sung, tăng cường.
Trước mắt việc thi THPT vẫn cần thiết
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài. Tình trạng nơi phải thi, nơi được đặc cách như phương án năm 2020 cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi: “Liệu có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không”?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định kỳ thi đã được luật hóa. Mặt khác, kỳ thi có nhiều tác dụng trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh. Hiện nó vẫn là một trong những căn cứ để các đại học tuyển sinh. Bộ đang lên phương án về hình thức thi linh hoạt hơn trong tình hình dịch. Bộ cũng đã và đang xây dựng ngân hàng đề đủ lớn để có thể thi nhiều lần hơn, thậm chí mỗi tỉnh một kế hoạch thi. "Nhưng như vậy thì sẽ phức tạp cho tổ chức. Nếu tổ chức cùng một đợt thì tốt hơn. Nếu bất đắc dĩ thi làm nhiều đợt thì sẽ dùng cách này", Bộ trưởng Sơn nói và khẳng định lại, "trước mắt việc thi THPT vẫn cần thiết".
Chiều 11/11, phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Giáo dục là ngành chịu tác động tiêu cực nhiều nhất của đại dịch. Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn làm chậm tiến trình đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vì vậy thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, các bậc cha mẹ, phụ huynh trên toàn quốc. "Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới giữ cương vị đứng đầu ngành Giáo dục không lâu nhưng đã tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, đã trả lời kỹ lưỡng chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến tranh luận", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần