Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã có cơ chế làm việc với các mạng xã hội để tháo gỡ thông tin quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc; thể chế hóa trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của mạng xã hội, quy định thời gian tháo gỡ…

Bộ, ngành, địa phương phải xác định trách nhiệm trên mạng xã hội

Chiều 7/11, trả lời chất vấn của đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn tỉnh Lai Châu) về kiểm soát, xử lý các quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ bản những quảng cáo này thực hiện trên mạng xã hội và đặc biệt là mạng xã hội xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

“Chúng ta đã có cơ chế làm việc với các mạng xã hội để tháo gỡ thông tin quảng cáo sai sự thật, thông tin xấu độc; thể chế hóa trong các văn bản pháp luật về trách nhiệm của mạng xã hội, quy định thời gian tháo gỡ. Tỷ lệ thực thi yêu cầu quản lý nhà nước về tháo gỡ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội rất nghiêm. Vấn đề là chúng ta phải phát hiện và báo cáo để tháo gỡ” - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các bộ, ngành, địa phương hiện đang quản lý nội dung gì trong thế giới thực thì phải di chuyển và thực hiện quản lý nội dung đó trên không gian mạng. Các khó khăn, vướng mắc trong thực thi sẽ được hai bộ nòng cốt là Bộ TT&TT, Bộ Công an hướng dẫn tháo gỡ.

“Các bộ, ngành và địa phương lên không gian mạng chưa nhiều và cho rằng, quản lý thông tin sai sự thật, xấu độc là trách nhiệm riêng thuộc về Bộ TT&TT hoặc Bộ Công an. Một lần nữa, tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương xác định trách nhiệm của mình trong thế giới thực thế nào thì lên mạng như thế” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tỷ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam đạt 99,8% dân số

Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn tỉnh Cao Bằng) về phủ sóng vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có đại dịch Covid-19, học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng và các sở tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng. Đến nay, đã có 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỉ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung binh cao tỉ lệ này là 99,4%.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Công Hùng
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Công Hùng

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hiện vẫn còn 420 điểm lóm sõng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới, Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích cho nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024. Tuy nhiên, điều khó khăn là có đến 150 điểm lõm sóng chưa có điện nên Bộ TT&TT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời.

Thể chế hóa quy định tính năng “tích xanh”

Về câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72, dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi có thể chế, cần có thể chế để hỗ trợ người dân. Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh để hỗ trợ người dân. Cùng đó, Bộ phối hợp Với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe. Ngoài ra, có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…

Về tính chính danh của các cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với mong muốn của nhiều tổ chức về nhu cầu có tính chính thức của các trang trên mạng xã hội để truyền tải đến xã hội và thể hiện uy tín của trang. Hiện một số nền tảng mạng xã hội đã có tính năng hỗ trợ tính năng đó như Facebook với tính năng “tích xanh” nhưng chưa phải tất cả mạng xã hội có chức năng này.

“Do đó, thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với các mạng xã hội để phát triển tính năng này. Về cơ bản đến cuối năm các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ có chức năng này và Bộ sẽ thể chế hóa quy định về vấn đề này quy định về nội dung trên internet” - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.