Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Xử lý nghiêm trường hợp lệch chuẩn trên mạng xã hội

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, trước tình trạng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp, nảy sinh những biểu hiện lệch chuẩn, Bộ VHTT&DL sẽ thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chiều 10/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu khi văn hóa xuống cấp?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) đặt vấn đề: Hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) nêu chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn tỉnh Hà Giang) nêu chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết: Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ VHTT&DL đã hỗ trợ Bộ TT&TT ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị người dân tôn trọng và làm theo bộ quy tắc này để tạo dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL. Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) cho biết, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng, ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, văn hóa rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ VHTT&DL thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ cũng đã chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, thông qua các công cụ pháp luật. Bộ cũng đã chủ động rà soát, báo cáo với Quốc hội ban hành các bộ Luật, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ động phối hợp với các cơ quan khác bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện, cụ thể, Bộ VHTT&DL đã ký kết với Bộ GTVT về việc xây dựng văn hóa giao thông, ký kết với Bộ GD&ĐT về xây dựng văn hóa học đường, ký kết với Tổng LĐLĐ Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đề nghị các cấp, các ngành phối hợp tích cực và chặt chẽ với bộ trong việc xây dựng môi trường văn hóa.

Trả lời câu hỏi thứ 2 của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về việc “Bộ chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực gia đình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Không phải không quan tâm, Bộ có Vụ Gia đình, tham mưu về các vấn đề liên quan đến văn hóa gia đình. Gia đình chịu nhiều yếu tố tác động và nhiều cơ quan khác nhau, nhiều bộ luật khác chi phối, chứ không chỉ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Không phải nói đến gia đình là chỉ nói đến văn hóa. Tôi nói như vậy không phải là đẩy trách nhiệm cho các bộ ngành khác, nhưng vì tính giao thoa, nên chúng tôi có trách nhiệm đề xuất xây dựng gia đình văn hóa".

Bộ đang triển khai chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. "Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là nếp nhà, biết ơn người sinh thành, trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc". "Vì lĩnh vực rộng chứ không phải chúng tôi không quan tâm" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.  

Giải pháp căn cơ với văn hoá, đạo đức học đường

Tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi: Hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả là trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này như thế nào?

Cũng quan tâm đến vấn đề đạo đức học đường, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề cập đến vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử xuống cấp trong nhà trường, việc này dẫn đến gian lận học tập, thi cử, làm xấu đi hình ảnh nghề giáo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp căn cơ để giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là những vấn đề "rất bức bối, khổ tâm". Ông có nhiều suy nghĩ nhưng để làm được gì thì phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, năng lực. Bộ VHTT&DL đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phối hợp với Bộ GD&ĐT để xây dựng bộ tiêu chí này. Theo Bộ trưởng, trách nhiệm của người thầy, của học sinh là tự giác, khuôn mẫu; nên phải khuyến khích các em tự xây dựng đạo đức lối sống. Cùng với đó, cần phát hiện nhân tố tích cực để lan tỏa hình ảnh đẹp, tấm gương sáng; chú trọng giáo dục học sinh trong mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, vì một bên không có cũng không thể có một thế hệ toàn diện.