Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chăn nuôi phải lấy mục tiêu xuất khẩu là áp lực cần thiết

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040. Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện một số bộ ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp. Về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực, phụ trách, điều hành hoạt động của UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Theo Bộ NN&PTNT, chiến lược phát triển chăn nuôi được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2008 đến nay đã góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ và nguồn nhân lực, đưa chăn nuôi Việt Nam phát triển và từng bước hội nhập. 
Nhiều lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử như: Chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thuỷ cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á… 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Một số sản phẩm chăn nuôi đã khẳng định được giá trị thương hiệu và xuất khẩu hành công như: Thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 - 6,5 triệu nông hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Trong thời kỳ tới, nhu cầu thực phẩm về các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao. Dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế. Thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chăn nuôi cần phải thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự thay đổi ngày một lớn của khoa học công nghệ. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 là phù hợp và rất cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng luôn là vấn đề bức thiết đặt ra đối với Việt Nam. Vì vậy trong rất nhiều năm qua, cùng với bảo đảm lương thực, việc đưa chăn nuôi lên thành ngành chính luôn là khẩu hiệu của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại. Chăn nuôi đã đáp ứng căn bản đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước cho 100 triệu dân.
Mặc dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết. Tốc độ phát triển lĩnh vực chăn nuôi nhanh, nhưng còn mất cân đối. Thịt lợn hiện vẫn chiếm tỷ trọng quá cao dẫn đến nguy cơ rủi ro trong sản xuất - tiêu thụ. Ngành chăn nuôi mới làm tốt khâu sản xuất, trong khi hai khâu chế biến và tiêu thụ thì còn hạn chế. Công tác giống, an toàn thực phẩm còn phải cố gắng nhiều. Đặc biệt, dù mục tiêu đặt ra là đưa chăn nuôi lên thành ngành chính nhưng thực tế sản phẩm chăn nuôi phục vụ xuất khẩu chưa nhiều…
Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi phải đi đầu trong nền kinh tế tuần hoàn. Chú trọng áp dụng công nghệ mới nhất trong từng ngành hàng. Đặc biệt phải hướng tới mục tiêu xuất khẩu, lấy đây là áp lực cần thiết, để từng ngành hàng quay lại tái cơ cấu theo hướng có chủ đích.