Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm, trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực GD&ĐT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT thì Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Với trường hợp tại Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, Bộ trưởng cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các anh em trong tổ công tác đã làm việc ngày đêm để đưa ra được kết luận nhanh chóng và chính xác nhất. “Tôi cho rằng, trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ GD&ĐT phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GD&ĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.
Khi phát hiện những sai phạm tại Hà Giang và Sơn La, quan điểm của lãnh đạo Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi và quy định của pháp luật.
Đối với sai phạm ở Hà Giang, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Về phía ngành giáo dục đã đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc sai phạm tại Hội đồng thi Hà Giang và Sơn La có phải do quy trình chấm thi chưa chặt, Bộ trưởng Nhạ phản hồi: Qua từng năm, quy chế thi cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Khi con người không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là sai phạm mang tính có chủ đích.
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức thi. Đồng thời, tập huấn nghiệp vụ về tổ chức thi, vận hành các phần mềm quản lý thi, chấm thi. Công tác chỉ đạo, thanh tra, giám sát cũng được tập huấn và thực hiện liên tục trước, trong và sau kỳ thi.
Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình tổ chức thi. Nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.
Về ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc việc tổ chức coi thi, chấm thi ở địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn tổ chức kỳ thi những năm qua. Mấy năm trước, nhiều gia đình phải vất vả đưa con về TP lớn dự thi đại học. Có gia đình phải bán cả gia sản mới đủ tiền đưa con đi thi thì nay đã hoàn toàn khác.
Hơn nữa, từ 2 năm nay, phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề riêng hay bài thi tự luận môn Ngữ Văn ra đề mở đã hạn chế tối đa gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Vì vậy, việc coi thi ở địa phương đã cơ bản đảm bảo được tính nghiêm túc, an toàn.
“Năm nay, chúng ta phát hiện tiêu cực trong khâu chấm thi tại một số địa phương. Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là quy trình chấm và bảo quản bài thi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kỳ thi đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan hơn”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Ngay sau đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị. Cùng với đó, sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích (xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Quy trình chấm thi (bao gồm cả phần mềm chấm thi) cũng phải được hoàn thiện để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả thi.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy chế và quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm sẽ có tác dụng trong việc răn đe đối với những người tham gia trực tiếp vào các khâu của kỳ thi những năm tiếp theo.