Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines thị sát Biển Đông với ý đồ gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp Philippines Gazmin đã cùng có mặt trên tàu sân bay USS John C. Stennis đi thị sát Biển Đông.

Đây đã là lần thứ 2 trong 5 tháng qua, ông Carter lên một chiếc tàu sân bay của Mỹ để thị sát Biển Đông. Động thái này được cho là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đến Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines trên tàu sân bay USS John C. Stennis
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines trên tàu sân bay USS John C. Stennis
Việc hiện diện trên tàu sân bay USS John C. Stennis cùng quan chức đồng minh Philippines cho thấy Mỹ luôn thực thi đầy đủ cam kết của mình đối với các đồng minh nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có những động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều đường băng phục vụ mục đích quân sự tại đây.

Bộ trưởng Carter và người đồng cấp Philippines Gazmin đã chứng kiến cảnh các máy bay chiến đấu thuộc Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay ra Biển Đông, cách đảo Luzon của Philippines khoảng 70 hải lý về phía Tây.

Phó Đô đốc Ronald Boxall - Tư lệnh Nhóm Tấn công số 3 trên tàu sân bay USS John C. Stennis cho biết, họ “thường xuyên nhận thấy có một hoặc vài tàu Trung Quốc hoạt động gần đó”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines thị sát Biển Đông với ý đồ gì? - Ảnh 1
Theo ông Boxall, cho đến nay, các tàu Trung Quốc này vẫn đang hoạt động một cách rất chuyên nghiệp. “Chúng tôi rất hài lòng về những gì chúng tôi nhận thấy. Tàu Trung Quốc chỉ hoạt động ở những nơi mà họ được phép và chúng tôi cũng như vậy. Họ cũng thường xuyên trao đổi một cách chuyên nghiệp với chúng tôi về vị trí của tàu hai bên”.

Phát biểu với các binh sĩ trên tàu USS John C. Stennis, ông Carter cũng tuyên bố, Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc và cảnh báo Trung Quốc đừng nên tự tìm cách cô lập mình. Ông Carter cũng khẳng định, việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông và ở châu Á - Thái Bình Dương là để ủng hộ các đồng minh chứ không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines thị sát Biển Đông với ý đồ gì? - Ảnh 2
Theo các nhà quan sát, việc Mỹ hiện diện quân sự ở Biển Đông là nhằm củng cố quan điểm của ông Carter rằng, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch nhằm đảm bảo tự do đi lại trong khu vực, bất chấp việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu khắp Biển Đông.

Tại một nhà chứa máy bay trên tàu USS John C. Stennis, ông Carter tuyên bố, thông điệp của ông khi lên tàu USS John C. Stennis là “Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines thị sát Biển Đông với ý đồ gì? - Ảnh 3
Theo ông Carter, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là do những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc từ năm ngoái. “Những gì mới diễn ra không phải là việc Mỹ điều tàu sân bay vào khu vực mà là những căng thẳng vẫn tồn tại tại đây mà Mỹ quyết tâm làm dịu đi” - Bộ trưởng Carter nhấn mạnh.

Một tuần trước khi tàu USS Theodore Roosevelt đi qua Biển Đông, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Trường Sa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần