Friday, 11:42 23/08/2013
Bộ trưởng Tài chính thúc Quốc hội nâng mức trần nợ
Kinhtedothi - Do Mỹ ngày càng tiệm cận đến điểm chi tiêu vượt quá nguồn quỹ có sẵn, ông Lew cho rằng điều quan trọng là quốc hội nâng trần nợ ngay khi nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ vào ngày 9/9 tới.
AFP đưa tin, phát biểu trước cử tọa ở Mountain View (California), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày 22/8 đã hối thúc Quốc hội Mỹ nâng trần nợ của nước này, đồng thời cảnh báo rằng nếu không làm như vậy có thể gây phương hại tới niềm tin về khả năng trả nợ của Washington và gia tăng lo ngại vỡ nợ.
![]() Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew. (Ảnh: AFP)
|
Do Mỹ ngày càng tiệm cận đến điểm chi tiêu vượt quá nguồn quỹ có sẵn, ông Lew cho rằng điều quan trọng là quốc hội nâng trần nợ ngay khi nhóm họp trở lại sau kỳ nghỉ vào ngày 9/9 tới. Việc không nâng trần nợ sẽ dẫn đến buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi của chính phủ, trong đó có chi tiêu cho quân đội và trợ cấp an sinh xã hội, đồng thời "gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước của chúng ta".
Quyền hạn cho vay của Bộ Tài chính Mỹ đã bị đóng băng ở mức 16,7 nghìn tỷ USD hồi tháng Năm vừa qua và kể từ đó bộ này đã giải quyết các nghĩa vụ cấp tài chính thông qua một số điều chỉnh tạm thời.
Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính nước này vẫn có thể duy trì hoạt động tới tháng 11, trước khi buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Tuy nhiên, dù các chính khách Mỹ có đạt được một thỏa thuận vào phút chót để nâng trần nợ - đổi lại việc cắt giảm chi tiêu về dài hạn - thì hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard and Poor's vẫn lần đầu tiên giảm xếp hạng của Mỹ xuống một bậc từ mức xếp hạng "vàng" AAA.
Trong khi đó, một loạt chỉ số được công bố trong ngày 22/8 cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra khả quan hơn và dự báo sẽ được duy trì trong những tháng còn lại của năm 2013.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần trước, số công nhân Mỹ lần đầu nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp là 336.000 người, tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong sáu năm qua. Đây cũng là tuần thứ sáu liên tiếp số người thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2007.
Trong tháng Tám này, nền kinh tế Mỹ dự kiến có thể tạo ra được hơn 200.000 việc làm mới. Đây là một sự cải thiện ấn tượng so với tổng số việc làm mới 162.000 được tạo ra trong tháng Bảy. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng Bảy đã giảm xuống còn 7,4% so với 7,6% trong tháng Sáu.
Cùng ngày, công ty dữ liệu tài chính Markit công bố kết quả điều tra cho biết trong tháng Tám, chỉ số hoạt động của các nhà máy của Mỹ đạt 53,9 điểm, cao nhất kể từ tháng Ba. Mức hoạt động trên 50% báo hiệu sự mở rộng của nền kinh tế.
Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Bảy cũng tăng nhẹ, đạt 96 điểm. Doanh số bán nhà mới xây ở Mỹ trong tháng Tám cũng tăng mạnh nhất trong vòng bốn năm qua, làm tăng giá bất động sản lên 14% so với thời điểm cách đây một năm.
Với các dấu hiệu khả quan trên, các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong sáu tháng cuối năm 2013 có thể đạt 2,5% so với mức tăng 1,4% trong sáu tháng đầu năm.