Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, nước chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 - 840 tỷ m3, trong đó khoảng 63% có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ.
Theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế, tổng lượng nước bình quân đầu người đạt khoảng 9.560 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 4.000 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia có tài nguyên nước trung bình là 10.000 m3/người/năm. Mặt khác, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, nên về cơ bản Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu nước.
Cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước được quản lý một cách bền vững và được chia sẻ, khai thác một cách hiệu quả. Vì vậy, nước đang được coi là một trong những nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
“Tài nguyên nước là tài nguyên chiến lược, quan trọng đối với mọi mặt đời sống, xã hội, sản xuất của đất nước nhưng lại đang đứng trước nguy cơ rất lớn bởi suy thoái, ô nhiễm, xung đột trong quá trình sử dụng. Kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2019 với chủ đề “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau”, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các địa phương, các cộng đồng và toàn thể người dân hãy cùng nhau cam kết xây dựng những chính sách đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên nước để phát triển bền vững. Đây là yêu cầu nhất quán và thống nhất trong các chính sách điều phối, phối hợp của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương”- Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đề nghị mọi tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên cả nước cùng đồng hành với Bộ TN&MT, Chính phủ đề xuất những sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực nhằm xử lý ô nhiễm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn tài nguyên nước; cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các dòng sông, các nguồn nước, không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế chung tay hành động cùng nhau bảo vệ, chia sẻ nguồn tài nguyên nước vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân loại.
Được biết, kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992 đến nay, Ngày nước thế giới hàng năm là dịp để thế giới tăng cường nhận thức và hành động để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với đời sống và sinh kế của nhân loại.
Mục tiêu phát triển bền vững thứ 6 đã chỉ ra rất rõ: Tất cả mọi người đều được sử dụng nước vào năm 2030, điều này đồng nghĩa là không có ai không được sử dụng nước; nhưng thực tế hiện nay, khoảng 1,9 tỷ người đang phải sống trong các khu vực khan hiếm nước, khoảng 2,1 tỷ người đang không được tiếp cận các dịch vụ về nước bảo đảm an toàn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện đang có hơn 663 triệu người trên toàn cầu phải xếp hàng hàng giờ, đi bộ cả chục cây số để lấy nước sinh hoạt, đấy là chưa kể số người chịu ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn. Theo dự báo, để đáp ứng các mục tiêu phát triển, đến năm 2050 có khoảng hơn 1,7 tỷ người đang sống trên các lưu vực sông có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do hậu quả của việc khai thác quá mức, và nếu hiện trạng này vẫn tiếp diễn thì dự đoán đến năm 2025 sẽ có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước.
Những cảnh báo này đã và đang gióng lên một hồi chuông báo động tới toàn nhân loại về nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong tương lai không xa nếu như chúng ta không chung tay cùng nhau hành động, nỗ lực để giải quyết ngay từ bây giờ.