Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết sẽ làm hết trách nhiệm, làm kiên quyết, không vô cảm, không thờ ơ

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 7/11, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề Công tác quản lý, điều tiết điện lực; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại và một số vấn đề khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng lần lượt sẽ là các thành viên Chính phủ tiếp theo trả lời chất vấn Quốc hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành mình.

Sáng nay (7/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã đặt ra trong chiều 6/11.

Các dự án điện, các dự án cụ thể trong lĩnh vực năng lượng cũng là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu dự án năng lượng điện tái tạo chậm tiến độ? Bộ trưởng có giải pháp gì để cho các doanh nghiệp thực hiện được dự án của mình mà không bị phá sản, đồng thời tăng nguồn điện lực cho tất cả các cơ quan hiện nay? Hiện nay việc thực hiện tiến độ điện gió hơn 1 năm, nguyên nhân không phải là do doanh nghiệp mà do vướng mắc của Luật Quy hoạch. Đến nay QH đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, Chính phủ vẫn chưa ra nghị định. Vậy, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp theo Nghị định số 39 của Chính phủ năm 2018 về chế độ phát triển các dự án điện gió có được kéo dài hay không? Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời, nếu không trả lời được thì đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ trả lời.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đề cập đến việc Dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu báo cáo với Thủ tướng 18 tháng nay và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư tròn 12 tháng nay theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Trong thời gian chờ đợi các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu và Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, cho đến nay thì dự án quan trọng này của tỉnh nghèo Bạc Liêu vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao lại có sự chậm trễ như vậy? Cần tiếp tục thực hiện những thủ tục gì để dự án này được Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh?

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nội dung liên quan đến kiến nghị của cử tri xã đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định về Dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu nằm trong địa bàn trọng tâm của Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự án đã được Chính phủ cho chủ trương, Thủ tướng cũng đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan khởi công dự án vào quý IV/2018, nhưng đến tháng 9.2019 dự án mới được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Vậy lúc nào, dự án có thể được khởi công và có thể hoàn thành trong năm 2020 theo mục tiêu của Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo được đề ra hay không?

Theo đánh giá được nêu tại Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì vùng dân tộc thiểu số, miền núi cơ bản là vùng đầu nguồn sinh thủy có nhiều sông, suối, cung cấp nước cho nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn 31 xã chưa có điện lưới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn hơn 3.400 thôn, bản chưa có đường điện hạ thế, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện của cả vùng mới đạt 93,9%, còn 1.422 thôn, bản chưa có điện.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để sớm khắc phục những hạn chế, khó khăn về điện đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi? Theo quy hoạch phát triển điện lực thì đến khi nào toàn bộ các thôn, bản hiện chưa có điện sẽ có điện lưới?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về việc tại sao đã nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường lên Tổng cục Quản lý thị trường với lời hứa là sẽ chấn chỉnh được công tác quản lý thị trường mà tại sao vẫn có tình trạng rối loạn về thị trường, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn là vấn nạn và gây bức xúc cho nhân dân. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này? Có hay không có việc phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch QH trong dự án điện Bạc Liêu? Có hay không có khuất tất về dự án này liên quan đến vấn đề lợi ích nhóm, liên quan đến dự án điện khí Cà Ná. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong dự án điện Long Phú 1.

Đề cập đến trả lời của Bộ trưởng về nguy cơ thiếu điện cả nước những năm tới, nhất là Tây Nam Bộ và trong đó có dự án Khí điện lô B chậm chiến độ, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp gì để đảm bảo được tiến độ xây dựng Nhà máy điện Ô Môn 4 hoàn thành kịp kế hoạch vận hành năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ vừa mới phê duyệt, đặc biệt là dự án đường ống dẫn khí lô B vùng biển Tây Nam được triển khai đồng bộ để phục vụ cho việc đảm bảo an ninh điện và cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, nơi sẽ thiếu điện trầm trọng trong thời gian sắp tới?

Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu với kinh tế thế giới, cụ thể là thực hiện các Hiệp định thương mại đã ký kết, đồng nghĩa với việc phải cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường trong khi hàng rào kỹ thuật chưa được quan tâm xây dựng. Từ đó, sản phẩm hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng nông sản có nguy cơ thua trên sân nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc tham mưu, tháo gỡ khó khăn nêu trên. Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kinh tế hợp tác trong các điều kiện mở cửa thị trường, áp lực cạnh tranh lớn và hội nhập sâu như hiện nay. Câu hỏi này cũng được đại biểu gửi đến Thủ tướng.

Doanh nghiệp chủ lô nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt do người Trung Quốc đầu tư

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) chất vấn chất vấn Bộ trưởng về việc: hai công ty tại Hồng Kông gửi một lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm Toàn cầu làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lô nhôm trên là đúng pháp luật. Vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hóa gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế. Đại biểu thấy rằng theo cách này thì hàng hóa nước ngoài gửi vào Việt Nam trong một thời gian bằng nhiều cách một số doanh nghiệp sẽ mập mờ chuyển hóa thành hàng hóa ở Việt Nam. Trách nhiệm Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại nêu trên, chỉ đạo giám sát cấp giấy chứng nhận xuất xứ khi doanh nghiệp xuất lô hàng trên ra nước ngoài nếu doanh nghiệp có động tác tìm cách gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự?

3 lý do khiến Việt Nam chưa đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu, Báo cáo chính trị Ban Chấp hành Trung ương Khóa X trình Đại hội XI nêu: tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng mục tiêu này khó hoàn thành. Nghị quyết Đại hội XII đã điều chỉnh thành: phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là do cơ khí chế tạo chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng phát triển công nghiệp.

 Đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn.

Báo cáo của Bộ thể hiện 3 ngành cơ khí có thế mạnh là xe máy và linh kiện, cơ khí gia dụng và dụng cụ ô tô và phụ tùng chưa hẳn là trọng tâm cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Lĩnh vực nông nghiệp là máy gieo trồng và thu hoạch, máy xay xát lúa, đánh bóng gạo. Đại biểu đặt câu hỏi: Vì sao chưa phát triển được cơ khí chế tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa. Theo Bộ trưởng nên tập trung vào ngành nào để đột phá, thay đổi vị thế của cơ khí chế tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra 3 lý do. Thứ nhất, ông cho rằng xuất phát điểm của Việt Nam quá thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ công nghệ trong công nghiệp hóa.

Thứ hai, nước ta chưa xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ngành sản xuất, nên môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí… chưa có điều kiện phát triển đặc biệt. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của xã hội còn hạn chế, điển hình như đào tạo nguồn nhân lực, rất ít sinh viên tham gia nghiên cứu và được đào tạo về công nghệ trong sản xuất.

Thứ ba, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định công nghiệp hóa đòi hỏi vốn đầu tư và trình độ công nghệ ở mức cao, do đó gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nước ta cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Tư lệnh ngành Bộ Công Thương thừa nhận nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý Nhà nước, trong đó có sự thiếu đồng bộ của các Bộ, ngành và tâm lý thụ động của các doanh nghiệp.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ kể từ ngày 1/1/2020 là thời điểm chính thức thực thi cam kết Hiệp định thương mại ATIGA với các nước trong khối ASEAN. Điều này dẫn đến lo ngại nguy cơ đường của các nước ASEAN sẽ tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường đường Việt Nam, cộng với các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu xuyên biên giới, nhập khẩu đường thô, đường lỏng thiếu kiểm soát... trong khi các hạn chế yếu kém của ngành mía đường trong nước chưa được tháo gỡ một cách thấu đáo. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi: với phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có khuyến cáo gì để ổn định thị trường đường cũng như bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành kinh tế nông nghiệp nói chung, bảo vệ người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường trong nước nói riêng trước sân chơi hội nhập đầy thử thách này?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu rõ, cử tri quan tâm, lo lắng là hiện nay nhiều địa phương đã sản xuất chuyên canh nông sản đạt được năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, như trái thanh long, trái vải, nên tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới diễn ra lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm chính vụ thu hoạch, minh chứng là việc ùn ứ hàng trăm container thanh long tại cửa khẩu Lạng Sơn vào tháng 10 vừa qua. Bộ Công Thương cũng đã có giải pháp nhưng đại biểu cho rằng chỉ mang tính can thiệp, xử lý tình huống thời điểm cụ thể. Bộ trưởng có cam kết, giải pháp hiệu quả triệt để nào trong thời gian tới để tìm thị trường xuất khẩu ổn định đăng ký xuất khẩu chính ngạch cho nông sản Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) chất vấn về giải pháp giảm khó khăn cho người chăn nuôi khi vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc thịt gà được nhập khẩu vào nước ta với số lượng lớn, giá rẻ làm sụt giảm mạnh giá thịt gà trong nước, gây khó khăn cho ngành chăn nuôi gà. Điều này khiến nhiều cử tri lo ngại vì theo các cam kết FTA ta cũng cần phải mở cửa thị trường nội địa thì sẽ có thêm nhiều mặt hàng chăn nuôi khác cũng sẽ chịu tác động tương tự.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng về việc có hay không việc buông lỏng quản lý trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu? Bao giờ Bộ tham mưu ban hành quy định về việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa để bảo hộ ngành sản xuất trong nước và bảo hộ thương hiệu sản phẩm cụ thể?

Quy định về xuất xứ hàng hóa là việc khó...

Trả lời chất vấn của các đại biểu về quản lý xuất xứ, chứng nhận xuất xứ của Việt Nam chống việc gian lận thương mại và gian lận xuất xứ của hàng Trung Quốc cũng như của các nước thứ ba trong việc lợi dụng xuất xứ của Việt Nam trong các ưu đãi thương mại kể cả trong xuất nhập khẩu cũng như trong tiêu thụ tại thị trường trong nước… Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện nay chúng ta đang thực thi hàng loạt các quy định của luật pháp rất quan trọng liên quan đến vấn đề tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như  thực thi trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Cụ thể là, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hải quan và các Nghị định hướng dẫn phạm vi quản lý địa bàn hải quan cũng như các hàng hoá nhập khẩu liên quan đến Luật Hải quan này, Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Quản lý thị trường, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định 43 cũng trong khuôn khổ của luật này…

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.

“Tại sao tôi nói nhiều văn bản quy phạm pháp luật này, bởi vì nó đều liên quan đến việc điều chỉnh các hoạt động trong thương mại trong nước cũng như liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế”, Bộ trưởng giải thích.

Trước hết, đối với Luật quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đang thực thi chức năng quản lý nhà nước; đã thực hiện việc báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định 71 quy định chi tiết của Luật Quản lý ngoại thương. Đây là Nghị định rất quan trọng, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thương mại quốc tế và cấp cấp giấy chứng nhận xuất xứ có cơ sở cấp xuất xứ của Việt Nam cho các sản phẩm của chúng ta xuất khẩu đi các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thương mại về thuế quan trong Hiệp định đó. Bộ Công thương cũng đã có những hướng dẫn và thông tư cụ thể để cụ thể hóa những việc tổ chức triển khai thực hiện cũng như tăng cường kiểm soát việc cấp CO chứng nhận xuất xứ này.

Thứ hai, Bộ Công Thương tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp để phòng tránh ngăn chặn về hành vi chuyển tải hàng hoá và gian lận thương mại. Đặc biệt để chủ động hơn nữa trong bối cảnh mới khi chúng ta đang phải đối mặt nhiều nguy cơ gian lận hàng hóa của các nước ngoài đối với xuất xứ của Việt Nam trong thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 824 ngày 4/7/2019 là Đề án để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu trong liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư của nước ngoài để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Bộ Công thương cũng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể về xuất xứ hàng hoá lưu thông trong nước.

Báo cáo rõ hơn với QH, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các văn bản và Nghị định 31 hướng dẫn về Luật Quản lý ngoại thương thì còn có Nghị định 43 để quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác, ghi nhãn mác cũng như các hàng hóa sản phẩm lưu thông trong nước. Tuy nhiên, Nghị định 43 giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tự kê khai và ghi nhãn mác hàng hoá cũng như phần xuất xứ hàng hoá và để phục vụ cho lưu thông trong nước, thị trường trong nước. Chính vì vậy, trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng. Chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khaisilk trong một thời gian trước kia cũng như sau này có những câu chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi xuất xứ với hàm lượng như thế nào trong phần giá trị gia tăng của sản xuất nội địa dẫn đến có vướng mắc cho một số doanh nghiệp mà trong đó đã chứng kiến câu chuyện như của ASANZO. Chính vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất việc xây dựng một văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc ghi chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lưu thông tại thị trường trong nước. “Đây xác định là một việc khó nên Bộ Công Thương cũng đã báo cáo và xin ý kiến các bộ, ngành để tổ chức xây dựng Thông tư dưới hình thức mở và có sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành, cơ sở pháp lý cũng như cả về nội dung điều chỉnh trong các chủ thể của hoạt động này”, Bộ trưởng cho biết.

Sau gần 1 năm xây dựng đã hoàn thành dự thảo Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước và đang tổ chức lấy ý kiến đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông và tổ chức lấy ý kiến phản biện của xã hội, của doanh nghiệp, của người dân, của các tổ chức. Hiện nay, dự thảo này đã qua 2 vòng, có thể nói những ý kiến đóng góp đa dạng và đầy đủ. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư phải nghiên cứu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng nó có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của chúng ta trong các hoạt động thương mại quốc tế. Bởi vì cả Thông tư này và các Thông tư hướng dẫn Nghị định 31 sẽ đều có chung nền tảng là dựa trên bộ quy tắc xuất xứ và của tổ chức thương mại thế giới và hải quan đã hướng dẫn. Nếu như các tổ chức nước ngoài và chúng ta có thể căn cứ vào việc này để siết chặt hoặc gây khó khăn trong việc được chứng nhận ưu đãi các sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài có xuất xứ Việt Nam thì đây là vấn đề phải nghiên cứu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giải trình thêm, tùy trong từng lĩnh vực trong từng ngành sản xuất các sản phẩm hàng hóa lại có những đặc thù có tính chất khác nhau. Vì vậy, cơ sở như thế nào để tạo ra giá trị gia tăng thực sự hữu ích và cần thiết để đảm bảo quá trình hội nhập và phát triển trong giai đoạn tới đây sẽ bền vững và đạt được yêu cầu vẫn còn đang được đặt ra với dự thảo Thông tư này. “Chúng tôi đang rất cầu thị để tiếp tục cùng với phối hợp với Ban soạn thảo và các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để tiếp thu ý kiến đóng góp sơ bộ bước đầu, để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đã triển khai rất nhiều chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, đề án có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối sản phẩm hàng hóa trong nước. Ví dụ như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020. Đề án này Bộ Chính trị đã thông qua và trực tiếp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, có sự phối hợp của các bộ, ngành, Bộ Công thương và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020  chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ 2016-2025, chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, dự án bảo đảm an toàn thực phẩm và chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2020 cũng như đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020. 

Hiện nay, Bộ Công thương còn lồng ghép triển khai nhiều chương trình, đề án khác để hỗ hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế. 

“Tất cả những nội dung này cũng đều được nêu rõ trong các đề án lớn của Chính phủ cũng như trong các hoạt động quản lý nhà nước và được lồng ghép trong phối hợp với các chương trình khác của Chính phủ cũng như cũng như các bộ, ngành và để làm tốt hơn nữa. Trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ cần phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như tài chính, khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông, Ngân hàng đầu tư”, Bộ trưởng nói. 

Đường nhập lậu trở thành nguy cơ lớn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường sẽ được xóa bỏ kể từ ngày 1/1/2020. Theo ông, thực tế năng lực cạnh tranh của ngành đường đang rất hạn chế do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

“Với những nguyên nhân chủ quan nếu chúng ta không vượt qua, khắc phục được thì năng lực cạnh tranh của ngành đường sẽ tiếp tục còn kéo dài ở mức thấp và sẽ gây ra những hậu quả cho không chỉ ngành mía đường mà cả người nông dân trồng mía và chuỗi sản phẩm của chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Ông cũng nhấn mạnh vấn đề đường nhập lậu đang thực sự trở thành một nguy cơ với quy mô nhập lậu rất lớn và đang được tổ chức ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đã đến lúc phải “rung chuông cảnh báo” hay chưa?

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay và cho rằng, cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải “rung chuông cảnh báo” cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?

 Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa). Ảnh: VGP

Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước hiện nay đang thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.

Con số 7,9% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội bền vững và có thực sự là nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam hay không? 

Nguy cơ gian lận thương mại còn rất lớn

Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Tại sao chỉ có đưa ra 25 mặt hàng có nguy cơ này? Bởi chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.

Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp chính.

Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định. 

Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm, không vô cảm, thờ ơ

Thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái. Chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của 389 quốc gia, trong đó có cả quản lý thị trường cũng phải quyết liệt.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.

“Chúng tôi cũng nói luôn là không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt của mình thực sự. Đây là vấn đề phức tạp, mới được hai tháng nay, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các đại biểu Quốc hội và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết không thờ ơ.

Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của nó và phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của nó để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành và sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng nói. 

“Tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào”

Các vấn đề liên quan đến ngành điện và các dự án điện cụ thể tiếp tục được các đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. 

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) liên quan đến các dự án, năng lượng tái tạo chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, ngoài các dự án đã được duyệt và đưa vào thực hiện theo Quyết định 11 của Thủ tướng với công suất phát lên tới gần 5.000 Mw, hiện nay chúng ta còn có là gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 28.300 Mw đang chờ đợi để được đưa vào quy hoạch. Tương tự như vậy có 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt. Ngoài ra còn có 8 dự án lớn về điện khí nhập khẩu và cũng đang được nghiên cứu và báo cáo trình Chính phủ. Như vậy, chưa kể đến các dự án lớn về hệ thống hạ tầng, trong đó được chuyển tải điện, trạm biến áp đang cần được bổ sung vào quy hoạch để bảo đảm giải toả công suất. Sau khi có chủ trương hướng dẫn của QH về giải thích pháp luật, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tổng hợp dự án thẩm định dự án để đưa vào dự án có quy hoạch tích hợp bổ sung cho việc trong quy hoạch để tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020 đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. 

Đối với điện gió, Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để đảm bảo cơ chế mới vẫn khuyến khích phát triển và khắc phục được những mặt hạn chế và phát huy tính tích cực của cơ chế trước đây nhưng đồng thời cũng tạo nên môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư liên quan, kể cả trong điện mặt trời sắp tới sẽ thực hiện như vậy.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) liên quan đến dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xem xét để sớm đưa vào bổ sung trong quy hoạch điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Bộ Công thương đã triển khai việc tổ chức xin ý kiến  của các bộ, ngành để thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp lý để bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện.  Mặc dù còn thiếu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng nhưng vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản 1480 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung nhà máy điện này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện. Ngày 29/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét các đề nghị của Bộ Công thương bổ sung quy hoạch này và các quy hoạch liên quan. Phó Thủ tướng đã có thông báo kết luận và yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá tổng hợp bổ sung một số khía cạnh có liên quan đến cả nhà máy Điện Bạc Liêu cũng như các giải pháp để bảo đảm đánh giá về hiệu quả và cũng như tác động chung đến cân đối điện và mặt bằng giá điện và rất nhiều vấn đề khác liên quan. Bộ Công thương đã có văn bản gửi các Bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để lấy các ý kiến bổ sung với các dự án này và sau đó ngày 30/10/2019, Bộ Công thương đã có văn bản 8224 gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo việc hoàn thiện nội dung liên quan, trong đó có dự án nhà máy điện Bạc Liêu. “Bộ Công Thương đã thực hiện khẩn trương. Có hai lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết thêm, Chính phủ sẽ xem xét sau khi có ý kiến hướng dẫn của UBTVQH về giải thích pháp luật để bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.

Điều hành Phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời về việc giải quyết rất chậm đối với dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. 8 tháng đầy đủ hết các thủ tục đầu tư, ý kiến kiến của Chính phủ, UBTVQH cũng đã xem xét việc này. Người ta kêu rất nhiều. Cứ nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là trong cuối từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?

Báo cáo với Chủ tịch QH, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Trên thực tế, chúng ta đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm này. Tuy nhiên, “tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào vì cái này chúng ta sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó đó sẽ triển khai theo đúng quy định và hy vọng sẽ sớm được thực hiện việc này vào đầu năm 2020”, Bộ trưởng nói. 

Không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch

Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng về dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, có thể nói, dự án này đã hoàn tất thủ tục. Ngày 9/4/2019 tại văn bản 135 của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho triển khai và trách nhiệm này thuộc Bộ Công thương. Tiếp đó, Bộ Công thương lại vin vào Luật Quy hoạch và để chậm trễ cho đến tháng 6/2019.

Tại phiên họp tháng 6 của UBTVQH, Chủ tịch QH đã khẳng định rằng dự án này không vướng luật quy hoạch và đặc biệt là sau đó hai cơ quan của Chính phủ của QH là Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì dự thảo Luật quy hoạch và Ủy ban Kinh tế -cơ quan thẩm tra Luật Quy hoạch đều khẳng định dự án này không chịu tác động bởi khoản điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Thế nhưng đến nay, Bộ Công thương vẫn đề nghị UBTVQH giải thích một số điều của Luật Điện lực để kéo dài thời gian triển khai dự án này. 

Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. Đây là dự án kỳ vọng rất lớn thu hút đầu tư của cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi chúng ta đang rất quan tâm, Đảng và Quốc hội đều luôn hướng về đồng bằng sông Cửu Long nhưng trách nhiệm của Bộ Công Thương, theo đánh giá của đại biểu Lê Thanh Vân là “không  tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch, cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”. Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này.

“Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu các phương án để giải quyết những vấn đề tồn tại của hệ thống truyền tải điện”

Cũng tranh luận lại với Bộ trưởng liên quan đến điện và các dự án điện, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) nêu 3 vấn đề: 

Thứ nhất là việc UBTVQH có ban hành Nghị quyết giải thích pháp luật hay không? Bộ trưởng có nói như thế này, khi có Nghị quyết mới của UBTVQH về giải thích pháp luật thì sẽ đủ điều kiện để tư nhân xây dựng đường dây 500 KV. Tôi nghĩ cách giải thích này chưa thực sự hợp lý, bởi vì hiện nay theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, UBTVQH chỉ giải thích pháp luật trong trường hợp có cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề, còn về vấn đề này thì Khoản 2, Điều 4 của Luật Điện lực quy định rất rõ rồi và UBTVQH không thể giải thích trái quy định này. 

Thứ hai là, về phương án xử lý của Bộ Công thương, Bộ trưởng có nói nguyên văn như thế này, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa đường dây 500 KV như hợp phần của dự án phát điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam, tôi chưa biết Chính phủ đồng ý hay không, nhưng mà cũng đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc khi nêu quan điểm này, bởi vì nó sẽ trái với quy định của Luật Điện lực, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu. 

Thứ ba là về tính khả thi của lộ trình thực hiện, Bộ trưởng nói đến cuối năm 2020 hy vọng là sẽ giải toả hết công suất cho các dự án điện, bảo đảm hiệu quả cho các nhà đầu tư, tôi nghĩ rằng hết sức cân nhắc về tính khả thi vì 4 lý do. Một là thời gian thực hiện chỉ còn 1 năm. Hai là, hiện nay cơ chế chính sách đều chưa rõ ràng, nếu như có sự điều chỉnh cũng cần thời gian và chưa tính đến quy trình đầu tư của chúng ta theo pháp luật về đầu tư công cũng rất mất thời gian. Ba là nguồn lực đầu tư chưa rõ ràng. Bốn là số lượng các dự án hiện nay quá lớn vào hôm qua, Bộ trưởng có nói đến thời điểm này mới giải toả hết 30% công suất, như vậy còn 70% nữa, tôi hy vọng rằng là trong 1 năm thì có thể giải toả hết và thiết nghĩ là khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn.

Trả lời ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong nội dung của Luật Đầu tư và đặc biệt là Luật Điện lực có một điều khoản quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện. Vì những nội dung trong Luật Điện lực và cả điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực đã quyết định vai trò độc quyền của Nhà nước. Điều này dẫn đến không chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư của xã hội trong các hệ thống truyền tải điện, để đảm bảo nâng cao năng lực giải toả công suất hệ thống truyền tải điện quốc gia. Do vậy, “chúng tôi đã rà soát pháp lý để có thể vận dụng pháp luật với sự cho phép của QH hướng dẫn giải thích từ ngữ. Ví dụ như độc quyền truyền tải điện có thể bao hàm nghĩa là Nhà nước chủ quản quản lý hệ thống truyền tải điện đó và việc vận hành hệ thống điện để đảm bảo vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo nền tảng an ninh năng lượng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, việc đầu tư cho các công trình truyền tải điện có thể xem xét, nếu như có hướng dẫn từ ngữ pháp luật thì hoàn toàn có thể tách khái niệm đầu tư cho các công trình nhất định trong hệ thống truyền tải điện để đảm bảo việc có cơ hội cho các thành phần kinh tế khác trong xã hội để tham gia đầu tư. “Chính vì vậy, chúng tôi chủ động nghiên cứu các phương án để giải quyết những vấn đề tồn tại của hệ thống truyền tải điện, vốn phụ thuộc quá lớn vào nguồn ngân sách nhà nước và nguồn lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tôi cũng xin báo cáo kiến nghị báo cáo với QH đây là ý kiến của Bộ Công thương, Chính phủ chưa có ý kiến chính thức. Chúng tôi sẽ tính toán phương án cơ bản lâu dài hoặc là phải sửa đổi Luật Điện lực và Luật Đầu tư để đảm bảo quyền độc quyền trong truyền tải điện nước giới hạn trong mức độ để đảm bảo an ninh chung, còn đầu tư đa dạng hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ. 

Giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng, các dự án phát triển nguồn, thì trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực có quy định phương án đấu nối, trong đó có quy định về đường dây và trạm để đảm bảo cho truyền tải công suất của nhà máy đấu nối đến các hệ thống điện quốc gia. Các điểm đấu nối của hệ thống truyền tải điện quốc gia có thể được tính như những hệ thống đầu tư dự án của nhà đầu tư. “Báo cáo với các ĐBQH, câu chuyện của dự án đường dây 500kW của nhà đầu tư nhân đang được vận dụng trong góc độ như hệ thống đường dây phục vụ việc truyền tải trong phương án truyền tải phương án đấu nối của nhà máy điện này với hệ thống điện quốc gia, không vượt lên quy định hiện hành. Chúng tôi cũng xin ý kiến đã nêu trên có thể xem xét sửa đổi luật. Lúc đó có thể có những câu chuyện hướng dẫn cho doanh nghiệp và tác động xã hội dưới hình thức đầu tư công tư(BT) đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý về hệ thống truyền tải điện quốc gia quản lý”. 

Nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa xây dựng hệ thống truyền tải điện

Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi và 9 đại biểu tranh luận; 10 đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, có 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi, xin gửi câu hỏi tới Bộ trưởng. Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho ĐBQH. Cùng với Bộ trưởng Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Tiếp nối không khí của phiên chất vấn trước, Chủ tịch QH ghi nhận, phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương đã diễn ra sôi nổi; các ĐBQH đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Tuy nhiên, do là lĩnh vực rộng, nhiều vấn đề lớn, nên được nhiều đại biểu quan tâm tranh luận để làm rõ vấn đề.

Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, lưu loát, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành; đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua, đối với công tác quy hoạch phát triển điện, trong đó có điện khí và năng lượng tái tạo.

Công thương là lĩnh vực có phạm vi rất rộng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân. Sự phát triển của ngành công thương cũng chính là sự phát triển của đất nước, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam thành nước phát triển. Thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của Bộ, lĩnh vực công thương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, bộ mặt đất nước có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực. Những nội dung được Quốc hội chất vấn hôm nay có những nội dung không mới, đã được chất vấn, thảo luận về kinh tế xã hội, có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm, có những nội dung đã được Quốc hội giám sát, chất vấn, như: công tác hỗ trợ xuất khẩu, công tác quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại….

Để có những chuyển biến tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau:

- Năm 2020, hoàn thành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch bảo đảm phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; rà soát, xử lý vấn đề phát sinh trong quy hoạch, vận hành các dự án điện, điện khí, mặt trời, điện gió; huy động các nguồn lực, giải pháp về công nghệ để xây dựng hệ thống truyền tải điện, nâng cấp trạm biến áp, tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải để giải tỏa nguồn điện; nghiên cứu cơ chế mới để huy động nguồn xã hội hóa cho việc xây dựng hệ thống truyền tải điện; tiếp tục mở rộng thị trường cạnh tranh bán buôn điện, thí điểm để các nhà máy điện gió và mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng mua điện tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023.

Tiếp tục huy động nguồn lực triển khai Đề án điện nông thôn, miền núi, hải đảo; nghiên cứu sửa đổi cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ bình quân, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; rà soát, đẩy nhanh tiến độ, xử lý các tồn tại, phát sinh của các công trình, các dự án điện trọng điểm như đối với dự án điện Bạc Liêu, Long Phú, Ô Môn, Thái Bình 2 và các dự án điện khác đã được đại biểu Quốc hội chất vấn để đảm bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt điện cho sản xuất, kinh doanh.

- Triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đối với sản phẩm xuất khẩu; rà soát, hoàn thiện quy định về tạm nhập, tái xuất, quản lý hàng hóa tại các kho ngoại quan; đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu; nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hạn chế tình trạng phụ thuộc thương mại, nhập siêu; tăng cường xây dựng thương hiệu Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trên thị trường quốc tế; triển khai các quy định về phòng vệ thương mại, nhất là hỗ trợ xử lý các tranh chấp thương mại, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu; hoàn thiện môi trường kinh doanh, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

- Rà soát hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; rà soát, xây dựng đầy đủ quy định pháp luật về quy tắc xuất xứ phù hợp với thông lệ quốc tế; khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; có các giải pháp để giám sát, kiểm soát việc nước ngoài lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ 3; chủ động xây dựng các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường trong nước; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, hoạt động mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, vai trò của lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho buôn lậu; xử lý nghiêm trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong việc nhập khẩu các hàng hóa có hình ảnh vi phạm chủ quyền Quốc gia.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số; năm 2020, ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam; có giải pháp để quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; giám sát việc quảng cáo, chất lượng hàng hóa trên mạng.

- Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển cơ khí chế tạo; tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; nâng cao khả năng của các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ.

Tiếp đó, QH đã tiến hành Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần