KTĐT - Người đứng đầu ngành tài chính cũng chia sẻ với báo chí một số vấn đề xung quanh quan ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng quá cao trong tháng này và những biện pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Bên hàng lang Quốc hội sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã khẳng định với báo chí lợi ích của quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Mặc dù kết quả giám sát của Ban Dân nguyện được công bố ngay trước kỳ họp cho thấy không có căn cứ để lập quỹ này.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng chia sẻ với báo chí một số vấn đề xung quanh quan ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng quá cao trong tháng này và những biện pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Chưa chuẩn chứ không sai trái
Thưa ông, theo kết quả giám sát của Ban dân nguyện thì cử tri đã kiến nghị xem xét, bãi bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Trong Pháp lệnh Giá quy định Chính phủ được áp dụng các biện pháp để bình ổn giá thì đấy cũng là một biện pháp để bình ổn giá xăng dầu, khi mà thấy cần thiết. Nhưng mà người ta (Ban Dân nguyện – PV) cũng không nói gay gắt. Trong Ban Dân nguyện người ta chỉ nói chưa thật chuẩn thôi, phải xem lại chứ không phải là sai trái.
Mục tiêu Chính phủ lập ra quỹ đó là để bình ổn giá. Như các nước thì xăng dầu của mình vẫn phải nhập là chủ yếu. Sau khi có nhà máy lọc dầu Dung Quất vào rồi, lượng nhập vẫn phải tới 70% mà bây giờ cơ chế của mình là đi theo thị trường, ngay cả quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng phải mua bán theo giá thị trường cho nên nó phụ thuộc vào thị trường thế giới rất lớn.
Mà giá thị trường thế giới thì các bạn để ý xem biến động rất lớn, có khi hàng giờ chứ không phải hàng ngày. Nhưng nếu mình cứ đi theo, thả nổi như thế thì phải điều chỉnh thường xuyên, gây ra một tâm lý rất là không tốt. Cho nên mình muốn điều chỉnh giá xăng dầu phải có thời hạn nhất định. Vì vậy, mình dùng quỹ này để can thiệp vào.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi giá xăng dầu tăng hay giảm thì khách hàng vẫn phải trả thêm từ 300 - 500 đồng/lít để đưa vào quỹ. Song, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng như việc khách hàng được hưởng lợi từ quỹ này như thế nào thì không rõ?
Bây giờ mình phải đặt mục tiêu quỹ đó là cái gì và so sánh với mục tiêu xem mình đạt được chưa. Như hiện nay là đạt được mục tiêu rồi còn gì nữa.
Ví dụ như đầu năm, khi giá cả có chiều hướng khác thường, chưa phải là đặc biệt nhưng thấy có dấu hiệu khác thường thì Nhà nước đã dùng quỹ này rồi. Hiện tại cũng đang phải dùng quỹ này để giữ giá từ nay đến cuối năm làm sao cho đừng tác động lớn quá đến giá nữa.
Trong tháng trước và tháng này, nếu bình thường cứ để cho doanh nghiệp tự điều hành thì người ta đã tăng giá rồi. Nhưng những thời điểm như thế này cũng yêu cầu doanh nghiệp không được điều chỉnh. Nhìn tổng thể mà nói là cũng có xu hướng nhích lên một chút, trong giai đoạn trước. Còn giai đoạn bây giờ nó lại có biến động về giá xăng dầu thế giới thì Nhà nước không tăng giá. Đấy là một biện pháp để bình ổn mà dùng quỹ này để bình ổn thực ra cũng là lợi ích chung thôi.
Ví dụ thời điểm hiện nay chẳng hạn, nếu bây giờ mình cho điều chỉnh giá thì nó lại tác động dây chuyền đến các giá hàng hóa khác. Cho nên Nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp không điều chỉnh. Tại vì xăng dầu là mặt hàng vô cùng nhạy cảm với sản xuất và tiêu dùng, nó tác động tương đối lớn cả về mặt thực tế giá cả lẫn tâm lý. Do đó Nhà nước phải quản lý, khẳng định mặt hàng đó Nhà nước phải có sự quản lý. Dùng Quỹ bình ổn để quản lý là sự chủ động. Mình đi theo thị trường nhưng mà xóa bỏ bao cấp, không thể có chuyện giá lên thì bù lỗ nặng như những năm trước mình đã điêu đứng vì chuyện bù lỗ đó rồi.
Còn lo ngại không minh bạch thì từ xưa đến nay vẫn công bố công khai trích mỗi lít là bao nhiêu đấy chứ.
Thưa ông, bên cạnh ý kiến của dân thì chính doanh nghiệp cũng cho rằng hiện nay, việc trích lập quỹ chưa giải quyết bình ổn giá nhưng lại có thể dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu?
Trong quy định có nói quỹ này không được dùng vào bất kỳ việc gì khác cả, chỉ để sử dụng bình ổn giá xăng dầu thôi. Sau này quyết toán anh nào làm sai anh đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo về điện
Thưa ông, CPI tháng 10 đã vượt trên 1% và những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao. Vậy sẽ có những giải pháp kiểm soát nào để có thể đạt mục tiêu 7% mà Quốc hội đã thông qua?
Bây giờ đang phải chỉ đạo quyết liệt để ổn định giá, nhất là giá lương thực thực phẩm. Trong giá tăng thì mình phải phân tích cơ cấu, cũng có những thời điểm có những điều chỉnh và giá lương thực thực phẩm chiếm một tỷ trọng rất lớn trong đó. Giá mà thấp quá có thuận lợi chung nhưng cũng có những bất cập, ví dụ như đời sống người dân bị ảnh hưởng. Như giá lương thực ảnh hưởng ngay đến nông dân, giá tăng quá ảnh hưởng đến vĩ mô, nhưng đời sống người dân về khía cạnh nào đấy cũng có được những lợi nhất định.
Chính phủ đã có chủ trương thực hiện cơ chế thị trường đối với điện, than trong năm tới, thưa ông?
Hiện nay còn đang nghiên cứu, vì xu hướng lâu dài là phải làm rồi, không thể để bao cấp mãi, nó làm méo mó nền kinh tế. Hai nữa nếu như bây giờ mình cứ để như thế, nếu điện nó lỗ thế làm sao Nhà nước bù được, chắc phải có sự tăng giá theo lộ trình. Việc ấy đã được khẳng định rồi. Lộ trình này tính toán thế nào để nó ảnh hưởng thấp nhất tới nền kinh tế và đời sống. Đấy là cái quan trọng nhất khi nghiên cứu việc điều chỉnh.
CPI năm tới cũng được dự kiến khoảng 7%, vậy làm thế nào để vừa tăng giá các mặt hàng thiết yếu vừa thực hiện được chỉ tiêu này?
Thì mình phải chọn thời điểm và lộ trình làm sao cho hợp lý. Trung ương cũng thảo luận vấn đề này rất nhiều. Khi mà điều chỉnh giá này thì làm sao để hạn chế ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp. Mà hiện nay Chính phủ cũng đang làm đấy. Ví dụ giá của những số điện đầu mình không điều chỉnh, đấy cũng là một biện pháp để hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người có thu nhập thấp.
Sắp tới sẽ đi theo hướng bao cấp cho người có thu nhập thấp, còn làm thế nào thì có nhiều cách. Cũng giống như trước đây mình hỗ trợ cho người dân ở vùng cao là mình hỗ trợ qua cơ quan cung cấp điện. Bây giờ không hỗ trợ kiểu ấy nữa mà đưa cho người dân sử dụng. Trước hết là người ta cũng sử dụng tiết kiệm hơn. Hướng của Chính phủ là làm thế nào để hỗ trợ trực tiếp, chứ hỗ trợ gián tiếp thì nhiều khi đến được người dân không công bằng.
Cuối năm là thời điểm hàng hóa tăng giá, vậy từ giờ đến Tết Nguyên đán biện pháp kiểm soát tăng giá sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?
Bây giờ điều quan trọng nhất là phải cung ứng hàng hóa cho đầy đủ. Đối với hàng hóa thì đấy là điều quan trọng nhất. Thứ hai là hiện nay mình cũng đang chỉ đạo địa phương ra quân quyết liệt để kiểm soát, kiểm tra, thậm chí phải thanh tra.
Về việc đăng ký giá và niêm yết giá, trong quy định đã nói rất rõ rồi. Những mặt hàng phải đăng ký giá thì doanh nghiệp phải báo cáo việc hình thành giá những mặt hàng ấy như thế nào cho hợp lý. Nếu mà tăng giá theo kiểu vô căn cứ thì sẽ xử lý. Đây là biện pháp chắc phải làm mạnh.